Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2009 về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị 6 tháng cuối năm 2009 và những năm tiếp theo do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 24/CT-UBND
Ngày ban hành 18/08/2009
Ngày có hiệu lực 28/08/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Phí Thái Bình
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 24/CT-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2009    

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tiến hành Hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2009. Qua báo cáo của Ủy ban nhân dân các quận, huyện và kết quả tổng hợp của Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2009, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên toàn địa bàn đã đạt được một số kết quả nhất định như: chưa để xảy ra vụ việc nổi cộm, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô; tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn; công tác cấp phép xây dựng, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng có nhiều tiến bộ; công tác đánh giá, phân loại, kiểm điểm kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng đã được quan tâm, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức. Hội nghị cũng ghi nhận sáng kiến của một số địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng…

Để phát huy các nhân tố tích cực, từng bước xây dựng thói quen, nề nếp trong công tác quản lý trật tự xây dựng, tạo điều kiện để các tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia sâu rộng vào việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1. Về tổ chức bộ máy của lực lượng thanh tra xây dựng

- Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương xác định nhu cầu, hoàn tất thủ tục bổ sung biên chế lực lượng thanh tra xây dựng theo mô hình quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4018/VPCP-TCCV ngày 18/6/2009 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (hoàn thành trong tháng 9/2009).

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập kế hoạch trang bị kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng thanh tra xây dựng trên địa bàn (bố trí thành một nội dung trong Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng hàng năm); Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng: theo dõi, kiểm tra, định kỳ đánh giá, phân loại lực lượng thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã và gửi kết quả đến Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để có biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này; định kỳ trang bị kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra xây dựng toàn địa bàn và có thể tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bổ sung cho những đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã có kết quả quản lý trật tự xây dựng chưa cao.

2. Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng cho cán bộ, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; chủ động tìm các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm: đưa việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng thành một nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng để xác định nội dung, hình thức và tổ chức thực hiện Kế hoạch trên toàn địa bàn.

3. Về trách nhiệm trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, các lực lượng Thanh tra xây dựng, Công an, các đơn vị cung cấp điện, nước quán triệt và thực hiện đúng quy định của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây đựng đô thị, trong đó:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm: phát hiện kịp thời và ra Quyết định đình chỉ thi công đối với các công trình xây dựng trái phép, sai phép, không phép; ra Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các trường hợp vi phạm (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện); tổ chức thực hiện các Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình.

- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không kịp thời ban hành Quyết định đình chỉ thi công thì Chánh thanh tra Xây dựng cấp huyện phải kịp thời ban hành Quyết định đình chỉ thi công và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng cấp Giấy phép. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không kịp thời ban hành Quyết định thì Chánh Thanh tra Sở Xây dựng phải ra Quyết định cưỡng chế phá dỡ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

4. Về công tác chỉ đạo điều hành, sự tham gia và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, đơn vị có liên quan

Việc quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm của Nhà nước và cần có sự tham gia của toàn xã hội. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng Chương trình công tác, báo cáo, thống nhất trong quận, huyện, thị ủy để phát huy sức mạnh chỉ đạo của các tổ chức đảng, đảm bảo sự tham gia rộng rãi, thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Nội dung Chương trình công tác cần xác định rõ: trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn; vai trò của các tổ chức, đoàn thể, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa thanh tra xây dựng, công an, đơn vị cung cấp điện, nước…trong việc phát hiện, xử lý kịp thời, các hành vi vi phạm trật tự xây dựng; mức độ xem xét, đánh giá, phân loại, xử lý cán bộ buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ…

5. Về xây dựng Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng hàng năm

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chủ động xây dựng nội dung Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn, trong đó có các nội dung chủ yếu như: xác định nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn trọng điểm; có kế hoạch kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị của một số đơn vị cơ sở, kiểm tra thực tế tại một số công trình xây dựng; bố trí lực lượng xử lý hoặc hỗ trợ xử lý theo đề nghị của chính quyền cơ sở tại một số điểm nóng trên địa bàn; có kế hoạch trang bị kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng thanh tra xây dựng; phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn…

- Sở Xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã lập Kế hoạch, Báo cáo hàng năm; Xây dựng Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng hàng năm của Thành phố, trong đó, tập trung kiểm tra kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng của các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, nhạy cảm có tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn; Có kế hoạch cụ thể về quản lý sau cấp phép đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân Thành phố; kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huỵện, thị xã trong công việc kiểm tra thực tế một số công trình xây dựng…

6. Về công tác giao ban, kiểm điểm tình hình quản lý trật tự xây dựng

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã định kỳ tổ chức kiểm điểm tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, bám sát nội dung Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng hàng năm. Việc kiểm điểm cần đánh giá, phân loại cụ thể kết quả quản lý trật tự xây dựng của từng Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo khắc phục nhược điểm hoặc giải quyết theo thẩm quyền (trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định). Sáu tháng và hàng năm, tổng hợp kết quả kiểm điểm cùng với đề xuất, kiến nghị báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng.

- Sở Xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã lập Báo cáo phục vụ Hội nghị giao ban (nội dung báo cáo phải tổng hợp tình hình cấp phép xây dựng trên địa bàn, tình hình quản lý sau cấp phép, tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; số liệu báo cáo phải chính xác, mỗi vụ việc chỉ cập nhật một lần và một số liệu); Tổng hợp, đánh giá, phân loại kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng của từng quận, huyện, thị xã; Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng của Thành phố, tình hình thực hiện chủ trương, nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng được Ủy ban nhân dân Thành phố giao trong năm; Đề xuất, kiến nghị, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

7. Về triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao

Sáu tháng cuối năm 2009, yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc triển khai và báo cáo kết quả thực hiện những nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân Thành phố giao tại Chỉ thị số 02/2009/CT-UBND ngày 06/01/2009 và văn bản số 2739/UBND-XD ngày 03/4/2009.

Giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị giao ban cuối năm 2009./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Thành phố (để b/c);
- Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các PCT UBND TP;
- Các sở: XD, QHKT,TNMT, GTVT, NN&PTNT, TP;
- CA TP, Thanh tra TP;
- CVP, các PVP, các P. Chuyên viên, XDv;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

[...]