Chỉ thị 24/2001/CT-TTg về cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 24/2001/CT-TTg |
Ngày ban hành | 04/10/2001 |
Ngày có hiệu lực | 19/10/2001 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2001/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG"NGÀY VÌ NGƯỜI NGHÈO"
Hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngày 17 tháng 10 năm 2000, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức phát động cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trên phạm vi toàn quốc và lấy ngày 17 tháng 10 hàng năm là ngày "Cả nước vì người nghèo". Đây là một cuộc vận động lớn, phù hợp với ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, là sự hưởng ứng của Việt Nam đối với quyết định của Liên Hợp quốc chọn ngày 17 tháng 10 hàng năm là ngày "Thế giới chống đói nghèo".
Sau một năm triển khai thực hiện, cuộc vận động " Ngày vì người nghèo" đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp chống đói nghèo, phát huy truyền thống "Tương thân tương ái" của đông đảo nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả vừa qua chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng của cuộc vận động, bộc lộ những hạn chế về nhận thức, tổ chức của cuộc vận động cũng như việc phân bổ và sử dụng quỹ ở một số địa phương hiệu quả chưa cao.
Để cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" trở thành phong trào rộng lớn, thu hút sự tham gia, hưởng ứng hơn nữa của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung làm tốt một số việc sau:
1- Thiết thực kỷ niệm " Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam" các ngành các cấp tập trung một tháng cao điểm (từ 17 tháng 10 năm 2001 đến 18 tháng 11 năm 2001) đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về ý nghĩa, mục đích cuộc vận động đến với mọi tầng lớp dân cư, đến từng hộ gia đình, đến từng người dân trong xã hội.
2- Đẩy mạnh cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" với nhiều nội dung phong phú, phù hợp nhằm tăng nhanh nguồn quỹ huy động. Bên cạnh việc huy động quỹ" Ngày vì người nghèo", cần kết hợp với việc mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; gắn công tác này với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đã có ở địa phương như : Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Đối với hộ nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ bằng các nguồn vốn cần hướng dẫn cách tổ chức sản xuất và cuộc sống để họ tự vươn lên vượt qua nghèo đói, ổn định đời sống.
3- Nguồn lực vận động được phải tổ chức phân bổ kịp thời, công khai, trực tiếp đến tận tay hộ nghèo, người nghèo với cơ chế dân chủ, công bằng. Bên cạnh việc hỗ trợ quỹ, cần tổ chức thêm các hình thức hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo như: hỗ trợ trực tiếp theo địa chỉ, tổ chức các hình thức kết nghĩa với dân, giúp dân, tập trung vào việc hỗ trợ giống, vật tư, tư liệu sản xuất, sửa chữa nhà ở...
4 -Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc huy động, giám sát quá trình quản lý và sử dụng quỹ ở các cấp, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, làm thất thoát quỹ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị- xã hội liên quan, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này đồng thời định kỳ báo cáo kết quả về Ban vận động Trung ương.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |