Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu | 21/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 08/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Văn Phương |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 9 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ LƯU THÔNG GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm gần đây, nhu cầu cây giống trồng rừng tăng mạnh đã làm gia tăng đột biến đối tượng hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng, trong khi đó công tác quản lý giống lâm nghiệp bộc lộ một số tồn tại về quản lý và tổ chức thực hiện và thanh tra, giám sát. Để chấn chỉnh công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp tục tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ các quy định Nhà nước về quản lý, nâng cao hiểu biết về chất lượng, danh mục các giống cây trồng mới, lợi ích của việc sử dụng giống mới, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; khuyến khích sử dụng cây giống vô tính, chất lượng cao (mô, hom) và áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh (làm đất, bón phân, chăm sóc) trong trồng rừng sản xuất.
- Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp ở các cấp địa phương; quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp chứng nhận nguồn gốc lô cây con tới khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng theo Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Kiên quyết không cho phép sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc; xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ, kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất giống bao gồm cả những hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Kiên quyết đình chỉ sản xuất và tham mưu cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở xếp loại C không đủ điều kiện theo quy định.
- Công bố danh sách và cập nhật thông tin các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện trên địa bàn vào trang Web Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng biết lựa chọn sử dụng giống tốt.
2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp:
- Phải có giấy phép đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp; chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp trong danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố hằng năm; hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh và chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng do mình sản xuất, kinh doanh.
- Phải đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật theo quy định để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
- Các loại giống cây trồng lâm nghiệp trước khi mua bán, lưu thông trên thị trường phải có chứng nhận nguồn gốc giống lô cây con, giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước.
- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp kém chất lượng, giống ngoài danh mục, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và giống chưa được công nhận.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh, giống cây trồng lâm nghiệp đến mọi tổ chức và cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện đúng các quy định của pháp luật và tự giác tham gia công tác đấu tranh phòng chống hàng kém chất lượng, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
- Tăng cường công tác quản lý về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Thường xuyên theo dõi, giám sát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Kiên quyết không cho phép sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc; xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, thống kê cụ thể số lượng các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn và báo cáo với Hạt Kiểm lâm sở tại theo định kỳ hoặc đột xuất.
- Định kỳ hằng quý báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Kiểm lâm) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
4. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT): chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này thay thế cho Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tính./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |