Chỉ thị 21/CT-BCT năm 2012 tăng cường biện pháp an toàn, phòng và chữa cháy do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 21/CT-BCT
Ngày ban hành 19/12/2012
Ngày có hiệu lực 19/12/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Dương Quang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 21/CT-BCT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP AN TOÀN, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp đặc biệt là các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, Chợ, Trung tâm Thương mại. Nguyên nhân chính của tình hình trên là do các cấp chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ý thức trách nhiệm và kiến thức phòng cháy, chữa cháy chưa cao; công tác quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của một số Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, Trung tâm Thương mại, Chợ chưa đáp ứng yêu cầu quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong mùa hanh khô, dịp Tết Dương lịch 2013 và Tết Quý Tỵ sắp đến, Bộ Công Thương chỉ thị:

1. Đối với các đơn vị thuộc ngành công thương:

- Tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện… để phát hiện và khắc phục các thiếu sót về phương án chữa cháy, các biện pháp an toàn, các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ và kỹ năng của lực lượng chữa cháy cơ sở. Đặc biệt lưu ý đến hệ thống cung cấp và trang thiết bị điện, số lượng và chất lượng phương tiện chữa cháy tại chỗ, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, lối thoát hiểm, các biển báo, biển cấm v.v…;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ… bằng các hoạt động thiết thực như: Tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền trên báo đài, loa truyền thanh…;

- Trong các ngày nghỉ phải tổ chức trực, bảo vệ 24/24h, sớm phát hiện và sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố cháy xảy ra.

2. Đối với các Sở Công Thương

- Chỉ đạo các đơn vị ngành công thương trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Chú trọng với các Chợ, Trung tâm Thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao…;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra về phòng cháy chữa cháy các đơn vị trọng điểm, có nhiều nguy cơ cháy nổ cao để phát hiện và khắc phục ngay các thiếu sót về công tác phòng cháy chữa cháy;

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp an toàn, biện pháp quản lý để ngăn chặn những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra thuộc phạm vi quản lý.

3. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Báo Công Thương, Tạp chí Công nghiệp có các bản tin chuyên đề về công tác quản lý, thực hiện phòng cháy chữa cháy, các tấm gương điển hình trong công tác phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp.

Các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ;
- Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Các Sở Công Thương;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, đơn vị thuộc Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương, các Công đoàn trực thuộc ngành công thương;
- Lưu: VT, ATMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang