Chỉ thị 21/2006/CT-UBND về tăng cường biện pháp chỉ đạo và xử lý các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đối với ngân sách cấp huyện và cấp xã do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 21/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 14/09/2006
Ngày có hiệu lực 24/09/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Trịnh Quang Sử
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2006/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO VÀ XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp -nông thôn và cơ chế của thành phố về quản lý tài chính đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm đã khuyến khích các địa phương huy động nguồn lực trong nhân dân, góp phần đầu tư xây dựng các công trình như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, kiên cố hoá kênh mương, trụ sở xã,...kết quả đầu tư đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của thành phố, tác động tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng nợ xây dựng cơ bản tại các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) và các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) còn dây dưa, kéo dài với số nợ lớn; công tác quản lý đầu tư, huy động các nguồn vốn tại các địa phương còn hạn chế.

Vấn đề tồn đọng nợ xây dựng cơ bản tại các huyện, xã trong nhiều năm qua đã được Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo giải quyết. Uỷ ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 4452/UBND-KTTH ngày 19/8/2005 chỉ đạo xử lý nợ xây dựng cơ bản ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, nhưng đến nay theo số liệu tổng hợp báo cáo của các ngành chức năng, khoản nợ nói trên có xu hướng ngày càng gia tăng. Tình hình trên đã ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý, điều hành ngân sách và ảnh hưởng đến việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nợ xây dựng cơ bản là do:

1. Chính quyền cấp huyện và xã đã quyết định đầu tư các dự án với qui mô quá lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp mình, trong khi các nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn hẹp. Uỷ ban nhân dân các cấp chưa xây dựng được kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án trong kế hoạch ngân sách hàng năm, dẫn đến tình trạng dự án được duyệt nhưng thiếu vốn thanh toán. Đ ây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xây dựng cơ bản.

2. Việc mở rộng phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nhưng chưa gắn với công tác kiểm tra, ghi kế hoạch vốn, chưa chỉ đạo tập trung, đầu tư còn dàn trải. Uỷ ban nhân dân cấp huyện chưa thực hiện và quy định rõ điều kiện thực hiện dự án: có thông báo vốn, đảm bảo thủ tục mới được khởi công.

3. Do mỗi xã đầu tư quá nhiều công trình nên vượt quá khả năng đóng góp của nhân dân.

Để khắc phục tình trạng công nợ nêu trên, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững đi đôi với giữ vững an ninh chính trị ở địa phương, Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Giải pháp về nguồn lực:

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã cần tập trung chỉ đạo rà soát các khoản thu, có giải pháp tích cực tăng thu ngân sách, trong đó quan tâm chỉ đạo thu tồn đọng về đất, đấu giá đất, thu xổ số, tạo nguồn chủ động thanh toán công nợ. Đồng thời động viên các khoản thu đóng góp của nhân dân, thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đã đề ra nhằm giảm chi ngân sách.

- Các huyện, xã phải dành toàn bộ các khoản vượt thu, các khoản thu về đất được điều tiết để thanh toán nợ.

- Ngân sách thành phố mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cần ưu tiên tăng nguồn vốn công trợ cho cấp huyện để khắc phục công nợ xây dựng cơ bản.

2. Tiếp tục rà soát công nợ các công trình xây dựng cơ bản của cấp huyện, xã:

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo rà soát xác định giá trị công nợ công trình của cấp huyện, xã đến thời điểm 31/8/2006, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo thành phố, trong đó phân định rõ: Các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khối lượng công trình dở dang.

- Từ 01/9/2006, tạm dừng khởi công các công trình mới đối với cấp xã có số dư nợ xây dựng cơ bản trên 700 triệu đồng và đối với cấp huyện có số dư nợ trên 10 tỷ đồng để tập trung thanh toán công nợ, trừ trường hợp công trình có tính cấp thiết do huyện đề nghị được thành phố quyết định cho phép đầu tư và có nguồn vốn đảm bảo.

3. Trách nhiệm xử lý công nợ xây dựng cơ bản của các cấp, các ngành, các đơn vị:

- Đối với khoản nợ do dân góp, giao Uỷ ban nhân dân cấp huyện và xã chịu trách nhiệm vận động nhân dân đóng góp theo cơ chế công khai, công bằng, dân chủ để cân đối giải quyết nợ.

- Công trình làm ngoài kế hoạch chưa được thông báo vốn hàng năm của thành phố, giao Uỷ ban nhân dân cấp huyện và xã cân đối sắp xếp trong kế hoạch hàng năm của ngân sách huyện và xã để thanh toán.

- Công trình được ghi kế hoạch hàng năm (có thông báo kế hoạch vốn của thành phố) nhưng do huyện và xã phân bổ kinh phí dàn trải, đầu tư lớn vượt khối lượng dẫn đến công nợ theo quy chế thì ngân sách huyện, xã chịu trách nhiệm cân đối giải quyết.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính cân đối nguồn vốn để tăng mức công trợ hàng năm từ các chương trình đường giao thông, trường học, trạm y tế...theo nguyên tắc: ưu tiên các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, xã nghèo có quy mô đầu tư hợp lý nhưng không có nguồn thanh toán, các xã có nguồn thu đóng góp của nhân dân tốt... Ngân sách thành phố không hỗ trợ khắc phục công nợ cho xã có nguồn thu đất, các dự án có quy mô công trình quá lớn, vượt quá quy định, trường hợp này huyện và xã tự cân đối từ nguồn thu của ngân sách cấp mình.

4. Đối với các công trình khởi công mới từ 2007: Ngoài việc đảm bảo các qui định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành, phải thực hiện nghiêm các qui định sau:

a) Các trường hợp được xây dựng mới:

Các công trình chỉ được xét vào danh mục xây dựng mới từ năm 2007 trở đi khi tổng dư nợ các công trình của cấp xã tính đến năm kế hoạch dưới 700 triệu đồng, của cấp huyện dưới 10 tỷ đồng. Trường hợp công trình cấp thiết phải được Hội đồng nhân dân huyện, xã thông qua, Uỷ ban nhân dân huyện tổng hợp, báo cáo trình thành phố cho phép khi có nguồn kinh phí thực hiện.

b) Thẩm quyền quyết định đầu tư:

- Dự án thành phố quyết định đầu tư: Chỉ xem xét đối với dự án của cấp xã có số dư nợ dưới 700 triệu đồng, cấp huyện có số dư nợ dưới 10 tỷ đồng (kể cả công trình đã quyết toán và đã khởi công chưa hoàn thành); đảm bảo quy mô và định mức sử dụng theo quy định hiện hành; có nguồn kinh phí đảm bảo (gồm nguồn ngân sách công trợ và khả năng dân góp theo quy chế).

- Dự án do cấp huyện và xã quyết định đầu tư trên cơ sở nguyên tắc trên và tự cân đối nguồn kinh phí đảm bảo và tự chịu trách nhiệm.

Nguồn vốn công trợ thực hiện theo Quyết định số 2767/QĐ -UB ngày 12/11/2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm và đảm bảo nguyên tắc:

[...]