Chỉ thị 21/2006/CT-UBND tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 21/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 26/09/2006
Ngày có hiệu lực 06/10/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Cao Tấn Khổng
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2006/CT-UBND

Bến Tre, ngày 26 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG VIỆC HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Thi hành Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, công tác hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã có cơ sở pháp lý cụ thể nên có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nơi chính quyền đã tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai theo đúng thẩm quyền, trình tự, khi giải quyết có xác minh đầy đủ, vận dụng đúng các quy định của pháp luật đất đai trong việc phân tích, giải thích, thuyết phục cho các bên tranh chấp thấy rõ đúng, sai để tự nguyện thoả thuận hợp lý, hợp tình, làm cho vụ việc giải quyết tranh chấp ổn định tại cơ sở. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nơi chưa áp dụng tốt quy định của pháp luật trong hòa giải tranh chấp đất đai như: chưa hình thành cơ chế phối hợp để hòa giải tranh chấp đất đai theo hướng dẫn tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, khi nhận đơn yêu cầu của đương sự chưa tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định, việc hòa giải không theo đúng trình tự, thủ tục, thiếu xác minh cặn kẽ, biên bản hòa giải chủ yếu ghi lại lời trình bày của các bên đương sự, không có ý kiến của đại diện chính quyền trong việc phân tích, giải thích, đưa ra cơ sở pháp lý để động viên, thuyết phục các bên thoả thuận phù hợp với pháp luật. Vì vậy, kết quả hòa giải không cao, nhiều vụ việc tranh chấp tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Để tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hoà giải tại cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện ngay những công việc sau đây:

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Chậm nhất đến ngày 10/10/2006, 100% Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng dẫn tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai gồm các thành phần: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp là thành viên.

Khi giải quyết vụ tranh chấp mà các bên không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì mời thêm trưởng ấp, khu phố và đại diện một số hộ dân, những người lớn tuổi sinh sống lâu đời tại địa phương, biết rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó để tham gia Hội đồng tư vấn.

b) Những vụ tranh chấp đất đai có đơn gửi đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì phải tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định (là 30 ngày), không được để tồn đọng, kéo dài. Khi nhận đơn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải vào sổ theo dõi, và làm biên nhận cho công dân.

Những trường hợp đã nhận đơn trước đây nhưng chưa tiến hành hòa giải thì phải rà soát lại để tổ chức hòa giải ngay cho dứt điểm không được để tồn đọng. Nơi nào để nhiều đơn tồn đọng quá thời hạn luật định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm trách nhiệm trước cấp trên.

Khi tiến hành hòa giải phải tổ chức xác minh, đối thoại. Hội đồng tư vấn phải đưa ra cơ sở pháp lý để phân tích, giải thích, vận động, thuyết phục các bên thương lượng cho hợp tình, hợp lý, đạt kết quả.

Việc hòa giải phải lập biên bản đầy đủ, rõ ràng. Nếu hòa giải không thành thì phải gửi biên bản cho các bên để có cơ sở yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện, thị giải quyết hoặc khởi kiện ra Toà án. Trường hợp hòa giải thành, nhưng có thay đổi về hiện trạng ranh đất, người sử dụng đất, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải gửi biên bản hòa giải thành đến Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện, thị để Phòng Tài nguyên-Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, thị ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị:

Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thành lập và hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai ở xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo Thanh tra huyện, thị, Phòng Tài nguyên-Môi trường, Phòng Tư pháp hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải tranh chấp đất đai cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các thành viên của Hội đồng tư vấn.

- Khi có biên bản hòa giải thành của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển lên, Ủy ban nhân dân huyện, thị nhanh chóng ra quyết định công nhận và điều chỉnh biến động việc thay đổi ranh giới thửa đất, đồng thời hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự.

3. Sở Tài nguyên-Môi trường:

Hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy trình cho Ủy ban nhân dân huyện, thị và Phòng Tài nguyên-Môi trường trong trường hợp có biên bản hòa giải thành của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển lên để Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo hướng nhanh gọn, thuận lợi nhất cho người dân.

4. Sở Tài chính:

Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguồn chi, thủ tục thanh toán đối với khoản bồi dưỡng cho Hội đồng tư vấn trong các trường hợp hòa giải thành.

5. Sở Tư pháp:

Phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức 8 lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hòa giải tranh chấp đất đai cho các thành viên Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai ở xã, phường, thị trấn và cán bộ, công chức có liên quan ở cấp huyện. Việc tập huấn phải hoàn thành trong tháng 11 năm 2006.

Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hiện nay là thủ tục bắt buộc. Vì vậy, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành có liên quan, cán bộ, công chức phải nắm vững và thực hiện đúng pháp luật đất đai và tinh thần của Chỉ thị này để chấm dứt tình trạng chậm trễ, né tránh, hòa giải hình thức dẫn đến việc tranh chấp tồn đọng, kéo dài phức tạp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh để được hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
ChỦ TỊCH




Cao Tấn Khổng