Chỉ thị 21/2006/CT-UBND thực hiện Quy chế làm việc mẫu của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương
Số hiệu | 21/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/06/2006 |
Ngày có hiệu lực | 23/06/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Nguyễn Hoàng Sơn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2006/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 6 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ LÀM VIỆC MẪU CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN
Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã ban hành, ngay sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu cử; Uỷ ban nhân dân các cấp tiến hành xây dựng mới hoặc bổ sung chỉnh sửa quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân cho phù hợp với tình hình của từng địa phương nhưng thực tế Uỷ ban nhân dân cùng cấp (cấp huyện, cấp xã) trong tỉnh ở một vài lĩnh vực chưa có sự thống nhất về nội dung và trình tự giải quyết các công việc.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2006 về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Để triển khai thực hiện tốt các Quy chế làm việc mẫu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã khẩn trương tiến hành rà soát, đối chiếu giữa quy chế làm việc mẫu với quy chế làm việc hiện hành của mình để sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế làm việc mới cho phù hợp quy chế làm việc mẫu và đặc thù quản lý của mỗi địa phương.
2. Xây dựng quy chế làm việc cụ thể của từng Uỷ ban nhân dân phải chú trọng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể; thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các thành viên Uỷ ban nhân dân; trách nhiệm phối hợp trong giải quyết công việc gắn với yêu cầu chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, đúng pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước ở địa phương.
3. Sau khi ban hành Quy chế làm việc mới, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung quy chế đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để biết và thực hiện, đồng thời phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua.
4. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai đến từng xã, phường, thị trấn; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng quy chế làm việc cụ thể của Uỷ ban nhân dân từng cấp theo đúng Quy chế làm việc mẫu được quy định tại các Quyết định số 75/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 và Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 13/4/2006 nhưng phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình quản lý của mỗi địa phương. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chủ động tổ chức Hội nghị triển khai, đôn đốc các xã, phường, thị trấn ban hành và thực hiện quy chế làm việc mới.
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xây dựng, hoàn chỉnh và ban hành quy chế làm việc mới của cấp mình phải xong trước ngày 30/8/2006.
6. Giao cho Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc kiểm tra và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình tổ chức triển khai xây dựng, thực hiện quy chế làm việc theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, phát sinh các vấn đề liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị; xã, phường, thị trấn; các Sở, Ngành có liên quan phản ánh kịp thời bằng văn bản về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xử lý. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp Sở Tư pháp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh theo phản ánh của các huyện, thị; xã, phường, thị trấn./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |