Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2023 đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu | 19/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 29/12/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Võ Tấn Đức |
Lĩnh vực | Đầu tư,Bất động sản |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với nhiều dự án lớn (bao gồm các dự án giao thông, khu dân cư, khu tái định cư, khu cụm công nghiệp,…). Quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các hộ dân trong vùng thực hiện dự án.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư: Chính sách pháp luật liên quan như việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, chính sách chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm còn nhiều bất cập; việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các cơ quan, đơn vị liên quan còn chậm, còn kéo dài; một bộ phận người dân trong vùng dự án không phối hợp thực hiện; việc giải quyết bố trí tái định cư và xác định nghĩa vụ tài chính tại các khu tái định cư còn lúng túng; việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn rất chậm, một số khu tái định cư chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kịp thời để chủ động bố trí, di dời các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; đơn thư khiếu kiện của người dân trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn phát sinh nhiều, phần lớn là khiếu kiện về giá đất bồi thường và xét tái định cư.
Những tồn tại trên, ngoài nguyên nhân khách quan như các quy định, chính sách pháp luật còn một số bất cập, việc áp dụng còn gặp vướng mắc; tình trạng chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật, thì những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, cụ thể đó là:
- Việc thực hiện các công việc từ khi thông báo thu hồi đất đến khi chi trả tiền bồi thường bị gián đoạn, không liên tục, dẫn đến kéo dài thời gian, phát sinh khiếu kiện và dự án không thể triển khai được do việc bàn giao mặt bằng không đồng bộ.
- Cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò trong việc lãnh đạo, chỉ đạo (những dự án có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh thì tiến độ được đẩy nhanh và ngược lại).
- Trên thực tế mặc dù đã được UBND tỉnh phân cấp, phân quyền trong việc thu hồi đất, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy và sợ trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
- Nhân lực thực hiện công tác bồi thường ở một số địa phương còn hạn chế (cả số lượng và năng lực chuyên môn), nhất là tại các địa phương có dự án lớn hoặc nhiều dự án phải thực hiện công tác bồi thường cùng thời điểm, trong khi không được tuyển dụng đào tạo.
- Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho các đối tượng bị ảnh hưởng thực hiện chưa tốt.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhằm tạo động lực, chuyển biến quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế làm phát sinh khó khăn vướng mắc, những nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đối với các sở, ngành cấp tỉnh:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện:
- Rà soát Quyết định số 56/2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định về điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm, giai đoạn 2020 - 2024, để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và trình UBND tỉnh quyết định ban hành.
- Tiếp tục rà soát, tổng hợp các nội dung liên quan và thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành quyết định thay thế Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 22/02/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; quyết định thay thế Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 16/10/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực thi hành.
- Tiếp tục rà soát, tổng hợp các nội dung liên quan và thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành quyết định thay thế Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 01/3/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quy chế phối hợp tổ chức xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực thi hành.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa rà soát các nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện quy định liên quan đến việc áp dụng giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các thông tư hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương áp dụng.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa đề xuất xử lý điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, các công trình trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà đã quá 03 năm nhưng chưa có quyết định thu hồi đất; xử lý dứt điểm các dự án, công trình đã có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường nhưng còn tồn đọng, chưa triển khai được (nhất là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh).
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra tiến độ, tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa phương; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý đối với các địa phương, đơn vị thực hiện còn chậm, còn kéo dài, còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm.
b) Sở Tài chính chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện:
- Khẩn trương rà soát những tồn tại, bất cập quy định tại Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự thủ tục giải quyết tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tham mưu UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh lại cho phù hợp.
- Đề xuất UBND tỉnh nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh và cấp huyện, để đảm bảo giá đất cụ thể tính tiền bồi thường được phê duyệt phù hợp với thực tế tại địa phương và rút ngắn được thời gian thẩm định.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ khác để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; đồng thời, xây dựng đơn giá bồi thường tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất, đề xuất UBND tỉnh xử lý các vướng mắc liên quan đến việc áp dụng giá cả bồi thường, các chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho các địa phương để triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư (nhất là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh).
c) Sở Xây dựng chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện:
- Rà soát, xây dựng lại quy định về đơn giá bồi thường nhà ở, tài sản, vật kiến trúc trên đất cho phù hợp với giá cả thực tế trên thị trường, tạo sự đồng thuận của các hộ dân bị thu hồi đất, trình UBND tỉnh ban hành theo quy định.
- Xác định vị trí, quy mô khu tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương, khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu tái định cư theo quy định.
- Hướng dẫn việc xác định giá trị nhà ở, các công trình xây dựng trên đất để bồi thường, hỗ trợ tại các địa phương.