Chỉ thị 189-TTg năm 1972 về chuyển hướng công tác thông tin trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 189-TTg
Ngày ban hành 01/07/1972
Ngày có hiệu lực 16/07/1972
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 189-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1972 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHUYỂN HƯỚNG CÔNG TÁC THÔNG TIN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Từ khi lập lại ngành thông tin, công tác thông tin đã phát triển một bước và góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, cổ động toàn dân thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong những năm chống chiến tranh phá hoại lần trước. Nhưng trong mấy năm vừa qua, do nhận thức về công tác thông tin chưa đúng, tổ chức thông tin không được ổn định, việc tổ chức thực hiện công tác của ngành thông tin bị hạn chế và có những thiếu sót, cho nên, nói chung, công tác thông tin có phần giảm sút. nhất là cơ sở, trừ một số địa phương được cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính địa phương quan tâm chỉ đạo.

Hiện nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở thời kỳ quyết liệt nhất. Hơn lúc nào hết, công tác thông tin phải chuyển rất mạnh, cổ vũ mọi người đoàn kết chiến đấu và sản xuất, hăng hái tiến lên, hoàn thành xuất sắc những công tác về các mặt quốc phòng, an ninh, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp v.v…

Công tác thông tin phải góp phần tích cực làm cho mỗi người dân kịp thời hiểu rõ tình hình và nhiệm vụ, thế mạnh và những thắng lợi to lớn của ta, thế thua và những tội ác, âm mưu của địch, những chủ trương và biện pháp vượt mọi khó khăn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Công tác thông tin lại phải kịp thời đập tan chiến tranh tâm lý của địch, cải chính những tin đồn sai nguy hại, nhất là ở các thành phố, thị xã, các vùng đông dân và chiến đấu ác liệt.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, cần làm tốt những việc chính sau đây:

1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền miệng về thời sự và chính sách sâu rộng từ trong cán bộ, đảng viên ra ngoài quần chúng, kết hợp với việc hướng dẫn, tổ chức tốt việc đọc báo, nghe đài của ta.

Cần lập lại các đội thông tin lưu động ở cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh, thành để làm nhiệm vụ tuyên truyền xung kích và làm nòng cốt thúc đẩy phong trào thông tin, cổ động, nhất là ở những vùng chiến đấu ác liệt, tuyến giao thông quan trọng và những nơi cơ sở yếu.

2. Giữ vững hệ thống truyền thanh quốc lập, duy trì và phát triển các trạm truyền thanh hợp tác xã ở những nơi có điều kiện, đồng thời coi trọng những phương tiện phát thanh thô sơ và cơ động, (loa sắt, loa điện, v.v…).

3. Phát triển các hình thức bảng tin, khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động, bản đồ chiến thắng; đẩy mạnh hoạt động triển lãm nhỏ, đèn chiếu.

4. Chú trọng phối hợp với các ngành tổ chức tốt những hình thức động viên quần chúng (như tập dượt, thao diễn, tuần lễ hành động v.v…) với khẩu hiệu và mục tiêu phấn đấu thiết thực.

Hoạt động thông tin phải gọn, nhẹ, phân tán, phù hợp với điều kiện thời chiến.

5. Cần tăng cường việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện, cụ thể là:

a) Các cấp lãnh đạo cần có chế độ giúp cho cán bộ thông tin kịp thời nắm được tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từng thời kỳ, cần kiểm điểm và vạch phương hướng hoạt động cho công tác thông tin.

b) Gấp rút tăng cường hệ thống thông tin ở các cấp, chú trọng cấp huyện và cơ sở. Ở những nơi tổ chức thông tin quá yếu, cần bổ sung cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm về công tác thông tin.

Ở những tỉnh, thành, huyện đã thống nhất thông tin và văn hóa thì ngoài đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác thông tin, cần có đủ số cán bộ nghiệp vụ cần thiết cho hoạt động thông tin.

Ở những địa phương còn duy trì cơ quan thông tin riêng thì cần tăng cường thích đáng cơ quan đó, bảo đảm làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ công tác nêu trong chỉ thị này.

Cần có biện pháp tích cực tăng cường tổ chức thông tin ở cơ sở xã và xí nghiệp, phân công cán bộ có năng lực phụ trách công tác thông tin, và lựa chọn một số đảng viên, đoàn viên làm nòng cốt cho mạng lưới thông tin ở cơ sở.C hú ý sử dụng tốt lực lượng cán bộ sơ tán hoặc được điều động về công tác ở cơ sở để làm công tác thông tin.

c) Kịp thời giải quyết những yêu cầu về vật tư, phương tiện, ngân sách, chế độ cần thiết cho công tác thông tin như Quyết định số 15-TTg/VG ngày 25-01-1966 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu các ngành có liên quan ở trung ương và Ủy ban hành chính các cấp nhận rõ tầm quan trọng của công tác thông tin trong tình hình mới, thực hiện đầy đủ những chỉ thị, nghị quyết trước đây của trung ương Đảng và Chính phủ về công tác thông tin, và có kế hoạch thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị