Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2011 về tăng cường hòa giải cơ sở do tỉnh Hòa Bình ban hành
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/08/2011 |
Ngày có hiệu lực | 01/08/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hòa Bình |
Người ký | Bùi Văn Tỉnh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Hoà Bình, ngày 01 tháng 08 năm 2011 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ
Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp, hoạt động quản lý nhà nước về công tác hòa giải từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm, chỉ đạo, các tổ hòa giải được thành lập ở khắp các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, khu dân cư (sau đây gọi tắt là khu dân cư). Chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên, hàng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở còn một số hạn chế như: Hoạt động của các tổ hòa giải ở một số địa bàn còn mang tính hình thức; công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoà giải, kiến thức pháp luật, điều kiện bảo đảm cho các Hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là: Sự nhận thức và quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; bố trí kinh phí dành cho công tác hòa giải (chế độ bồi dưỡng, tập huấn, trang bị tài liệu nghiệp vụ cho Tổ hòa giải, Hòa giải viên) ở các huyện, thành phố chưa thực hiện thống nhất theo quy định của tỉnh, thậm chí có nơi chưa bố trí kinh phí cho công tác này; việc lưu trữ, thống kê vụ việc chưa đi vào nền nếp, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giảm số lượng vụ việc phải chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, tạo nên sự đồng thuận, ổn định tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác hòa giải ở cơ sở
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này trong việc giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm bố trí cán bộ, kinh phí hợp lý; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở
2.1. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, thống kê tình hình tổ chức, số lượng thành viên Tổ hòa giải làm cơ sở đánh giá và nhân rộng mô hình hòa giải ở cơ sở đã hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải, luôn bảo đảm mỗi khu dân cư có ít nhất một tổ hòa giải.
2.2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi của tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo tổ chức đoàn thể các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên cùng toàn thể nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2.3. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có trách nhiệm
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn củng cố về tổ chức và hoạt động cho mạng lưới tổ hòa giải. Đề xuất việc đầu tư trang bị sách, tài liệu pháp luật cho tủ sách pháp luật của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; nghiên cứu áp dụng rộng rãi việc xây dựng mô hình tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa khu dân cư, khuyến khích xây dựng tủ sách tại các gia đình, dòng họ, tạo điều kiện để Hòa giải viên có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
- Định kỳ ba năm một lần, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi”.
- Biên soạn và cung cấp tài liệu pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các Tổ hòa giải ở cơ sở.
- Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính sách pháp luật của nhà nước và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở.
- Rà soát và bố trí công chức làm tham mưu về công tác hòa giải một cách hợp lý, bảo đảm ở mỗi cấp đều có công chức phụ trách công tác hòa giải.
2.4. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát đội ngũ công chức phụ trách công tác hòa giải ở các cấp. Sau khi rà soát, xây dựng kế hoạch đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế phụ trách công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở
3.1. Tăng cường sự phối hợp giữa Tổ hòa giải với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3.2. Khuyến khích đội ngũ luật sư, luật gia và những người am hiểu pháp luật tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3.3. Phấn đấu hằng năm có trên 90% Tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 85%.
3.4. Trung tâm Trợ giúp pháp lý chỉ đạo các Chi nhánh trợ giúp pháp lý các huyện, thành phố tích cực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa bàn; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và tổ hòa giải ở cơ sở.
4. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở
4.1. Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, huy động nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
4.2. Sở Tài chính tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động cho công tác hoà giải ở cơ sở theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thay thế Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 6/11/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hàng năm, hướng dẫn, kiểm tra việc lập và sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
4.3. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp hướng dẫn xây dựng, kiểm tra việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT- BTC-BTP ngày 14/5/2010 giẵ Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định của tỉnh đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
5. Thực hiện công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở
5.1. Sở Tư pháp, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.