Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2021 về triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 16/07/2021
Ngày có hiệu lực 16/07/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI ĐỢT CAO ĐIỂM PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã ưu tiên cao nhất, hành động quyết liệt, "chống dịch như chống giặc", bước đầu đạt được kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, từ ngày 03/7/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 27 người mắc mới, nguồn lây được xác định từ các trường hợp người dân ở một số tỉnh, thành phố khác về tỉnh, đã lây nhiễm tại địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, lịch trình đi lại của F0 rất phức tạp. Ở nước ta ngày 15/7/2021, ghi nhận trên 3.000 người mắc mới Covid-19, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh lân cận, số lượng người dân đi làm từ các tỉnh đang có dịch bùng phát trở về tỉnh rất lớn, một số trường hợp từ vùng dịch trở về khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, nguy cơ có các nguồn lây nhiễm khác, dịch bệnh có thể lây lan nhanh, khó lường. Đây là thời điểm rất quan trọng, nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh có thể lây lan gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và kinh tế xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trong thời gian tới là: “Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; Chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; có sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, để triển khai thực hiện quyết liệt, dứt khoát, triệt để, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở cùng với sự ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ, đóng góp và tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp đồng lòng thực hiện phòng, chống dịch; mỗi người dân là một “chiến sỹ”, mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố là một “pháo đài” phòng, chống dịch.

2. Đề nghị các doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, không làm ảnh hưởng, đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực hưởng ứng ủng hộ Quỹ mua vắc xin phòng, chống dịch.

3. Mỗi người dân tiếp tục đề cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng thực hiện tốt 5K để phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác, thực hiện khai báo y tế,…. Tất cả các trường hợp từng đi/đến các tỉnh, thành phố đang có ca bệnh Covid-19 trong cả nước, khi trở về Ninh Thuận phải thực hiện khai báo y tế để được thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch theo quy định; tích cực tham gia giám sát, kiểm soát các đối tượng về từ vùng dịch để phối hợp cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý, phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.

Thực hiện 03 vòng kiểm soát, giám sát dịch để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, không để có ca thứ phát trên địa bàn tỉnh. Trong đó siết chặt kiểm soát người đến/về tỉnh tại các chốt giao thông trên các tuyến quốc lộ, nhà ga, bến xe; đồng thời bổ sung chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra/vào các xã, phường, thị trấn, chợ đầu mối,… Tổ giám sát cộng đồng, cùng với mỗi người dân kiểm soát dịch vòng trong để kịp thời phát hiện các trường hợp đến/về từ vùng dịch chưa được phát hiện.

4. Tổ chức giám sát, thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm tất cả các trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19. Khi có ca bệnh, nguồn lây nhiễm, phải thần tốc khoanh vùng diện rộng, tiến hành xét nghiệm, điều tra dịch tễ, phân loại... để xác định địa điểm, ranh giới mầm bệnh, nguồn lây nhiễm và các vấn đề liên quan, trên cơ sở đó quyết định phong tỏa cách ly y tế nhanh gọn, chính xác, phạm vi hẹp, hạn chế tối đa làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; đồng thời giám sát chặt chẽ khu vực phong tỏa cách ly y tế, tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giãn cách... trong khu vực phong tỏa (theo Quyết định số 3986/QĐ- BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19).

5. Thực hiện khoanh vùng, giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 17/7/2021 đến 00 giờ 00 ngày 31/7/2021, cụ thể như sau:

a) Áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn, khu phố cách ly với thôn, khu phố; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp thiết, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (trừ một số phương tiện được phép của cơ quan chuyên môn), hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác (trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết). Hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân.

- Cơ sở sau đây được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo 5K, gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, tang lễ. Riêng dịch vụ vận chuyển phục vụ khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế quy định; các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ người đang công tác, làm việc trên địa bàn tỉnh đã đăng ký lưu trú thường xuyên tại cơ sở lưu trú du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến, đơn giản thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình quản lý bị lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm quản lý việc công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, đảm bảo vẫn hoàn thành các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, không được để công việc tồn đọng. Giao Sở Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn làm việc tại nhà của công chức, viên chức, người lao động và tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc làm việc tại nhà của các cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo nhanh cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước 17 giờ hàng ngày.

b) Áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chỉnh phủ đối với các huyện, thành phố còn lại (Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam), trong đó:

Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong 01 phòng; không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường hợp, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m trong tiếp xúc.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các khu vực, địa bàn có dịch đến các địa phương khác.

6. Tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; lập các chốt quản lý không cho người từ các tỉnh, thành phố có dịch đến tỉnh Ninh Thuận, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Giao Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

7. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.

8. Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn; tổ chức xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và có biện pháp xử phạt các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có giải pháp bảo đảm đủ cung ứng và lưu thông kịp thời hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Nhân dân; khẩn trương xác lập danh mục các dịch vụ kinh doanh hàng hóa không thiết yếu cần đóng cửa; các dịch vụ kinh doanh hàng hóa thiết yếu được tiếp tục hoạt động; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

10. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; ủng hộ các biện pháp, chủ trương phòng chống dịch bệnh của tỉnh để bảo vệ sức khỏe của Nhân dân; thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong Nhân dân.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với ngành Y tế thực hiện việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chia sẻ các thông tin liên quan về tình hình hình dịch bệnh với ngành Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm trong trường hợp dịch lan rộng; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai và kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội; báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo tỉnh thông qua Sở Y tế.

[...]