Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý hàng lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 25/05/2020 |
Ngày có hiệu lực | 25/05/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Nguyễn Đình Xứng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 25 tháng 5 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH LANG AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Trong những năm qua, công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và từng bước đi vào nền nếp, đã góp phần quan trọng cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước về xây dựng công trình tại một số địa phương còn hạn chế, sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng với chính quyền địa phương đôi lúc còn chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm, dẫn đến vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường dây điện cao áp, biểu hiện qua việc nhiều công trình, nhà ở, cây trồng vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện lực và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an toàn lưới điện, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng vận hành hệ thống điện quốc gia trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa):
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân trên địa bàn tỉnh về các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý.
- Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện; tổng hợp những trường hợp khó khăn phức tạp, vượt thẩm quyền giải quyết của Ban Chỉ đạo cấp huyện để đề xuất với Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh giải quyết dứt điểm.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong việc giải quyết, xử lý các khiếu nại, tố cáo và các vấn đề khác có liên quan đến bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả triển khai thực hiện công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh, gửi UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định.
2. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các công trình vi phạm trật tự xây dựng có liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép xây dựng và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ công tác GPMB khi nhà nước thu hồi đất thuộc hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định hiện hành của pháp luật.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến nội dung các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện theo quy định.
5. Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
- Hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn quản lý khi có công trình lưới điện cao áp đi qua phải chủ động hợp tác, phối hợp trong công tác GPMB thực hiện các dự án đầu tư công trình điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định.
6. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn các công trình điện, phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn theo dõi, quản lý.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý dẫn đến mất an toàn công trình điện, đặc biệt chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tai nạn điện do các công trình, nhà ở và cây trồng trên địa bàn vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ các quy định hiện hành của pháp luật để tích cực, chủ động trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền và tổ chức cưỡng chế theo trình tự thủ tục quy định đối với các trường hợp cố ý vi phạm trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với đơn vị vận hành lưới điện cao áp rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn tồn đọng trên địa bàn quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án đầu tư công trình điện để thực hiện công tác GPMB các dự án, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định.
8. Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa (các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh):
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.