Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác vận hành và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du nhà máy thủy điện do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 27/06/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Phan Ngọc Thọ |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 6 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VẬN HÀNH VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO VÙNG HẠ DU CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện; Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Quyết định số 2482/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương; Thông tư 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công Thương Quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện; nhằm tăng cường công tác an toàn vận hành các nhà máy thủy điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du các nhà máy thủy điện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Công Thương
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện theo các quy định hiện hành và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương; Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các chủ đập trên địa bàn về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, an toàn đập. Tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết kịp thời các vấn đề tồn tại, khó khăn và phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
- Đôn đốc, yêu cầu các chủ đập thủy điện xây dựng phương án bảo vệ đập và lập Phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa và quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức vận hành hồ chứa, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du đập, đảm bảo an toàn cho công trình và thực hiện kế hoạch vận hành cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương kiểm tra an toàn công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập theo đúng quy định; Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình quản lý, khai thác đảm bảo an toàn công trình thủy điện, tổng hợp báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đập thủy điện xây dựng và triển khai thực hiện phương án cắm mốc giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập thủy điện, hành lang bảo vệ hồ chứa theo đúng quy định. Yêu cầu chủ các hồ chứa thực hiện đúng các yêu cầu của đề án đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn nước tại các hồ chứa.
4. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát chất lượng và việc đánh giá mức độ an toàn các đập hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hồ chứa nước.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
5. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
- Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các hồ thủy điện. Chỉ đạo, phối hợp với các chủ đập thủy điện xây dựng Quy chế phối hợp vận hành thủy điện trong mùa lũ giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh với các nhà máy thủy điện.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và Viện Vật lý địa cầu, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống thiết bị, máy móc quan trắc động đất của các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng, khả năng phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai tại các địa phương hạ du các đập thủy điện, thủy lợi.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông và các Sở, Ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân phía hạ du các nhà máy thủy điện trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai.
- Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập thủy điện trong việc tổ chức vận hành hồ chứa theo quy trình được phê duyệt.
- Tổ chức, thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế,… ở những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai.
7. Các Chủ đập thủy điện
- Thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tổ chức rà soát quy trình vận hành hồ chứa và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp của quy trình (nếu có).
- Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước bảo đảm khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước mùa mưa, bão, lũ. Xây dựng phương án phòng chống lụt, bão bảo đảm an toàn đập; phương án bảo vệ đập; phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt; thực hiện kiểm định an toàn đập và cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập theo quy định.
- Rà soát, lắp đặt, bổ sung hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ phía hạ du đập để cảnh báo người dân trong quá trình vận hành điều tiết lũ và phát điện. Lắp đặt hệ thống quan trắc rung chấn và hệ thống camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan liên quan tại các đập thủy điện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 197/UBND-NN ngày 11 tháng 01 năm 2016 về việc nghiên cứu lắp đặt thiết bị quan trắc động đất tại các công trình đầu mối thủy điện, thủy lợi quan trọng trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, phòng chống lụt, bão và thiên tai. Tăng cường công tác phối hợp giữa các chủ đập trên cùng lưu vực sông và địa phương trong công tác phòng chống lụt bão. Đặc biệt công tác thông báo, cảnh báo, cảnh giới trong quá trình vận hành hồ chứa, chạy máy và xả lũ.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình; Thực hiện hoặc hợp đồng với cơ quan chuyên môn quan trắc, thu thập các thông tin về khí tượng, thủy văn trên lưu vực hồ chứa theo quy định để phục vụ công tác vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả. Chuẩn bị nguồn lực, vật tư cho công tác phòng chống lụt, bão bảo đảm an toàn đập và công tác phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy điện theo phương án đã được phê duyệt.