Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Chỉ thị 154-HĐBT năm 1988 thực hiện chỉ thị 47-CT/TƯ về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 154-HĐBT
Ngày ban hành 11/10/1988
Ngày có hiệu lực 26/10/1988
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Đỗ Mười
Lĩnh vực Bất động sản

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-HĐBT

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ RUỘNG ĐẤT

Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 31-8-1988 về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đông chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Bộ Chính trị để sớm ổn định sản xuất và đời sống của nông dân lao động. Trước mắt cần làm tốt những việc sau đây:

1. Tổ chức cho cán bộ và nhân dân nghiên cứu kỹ Luật Đất đai, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp và Chỉ thị 47 của Bộ Chính trị để thống nhất nhận thức về tình hình, nguyên nhân tranh chấp ruộng đất và nắm vững tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp về giải quyết vấn đề ruộng đất.

2. Gắn việc giải quyết các vấn đề cụ thể về ruộng đất với việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá VI, trước hết là làm cho mọi người nhất trí với các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ruộng đất và tích cực thực hiện. Phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, nhân viên Nhà nước chiếm dụng ruộng đất trái phép dưới mọi hình thức.

3. Nắm vững thực trạng ruộng đất trong từng xã, ấp và trong từng đơn vị kinh tế, đánh giá chính xác mặt đúng, mặt sai để có biện pháp giải quyết phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi giải quyết vấn đề ruộng đất, phải nắm vững quan điểm ruộng đất là sở hữu của toàn dân, Nhà nước giao cho đơn vị quốc doanh, tập thể (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất) và nông dân sử dụng; phải đưa ra bàn bạc dân chủ với dân ở từng đơn vị cơ sở (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nông, lâm trường quốc doanh), báo cáo công khai với dân quỹ ruộng đất dôi ra ở địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ nông dân để tìm ra cách giải quyết có lý, có tình.

Đối với những trường hợp vi phạm Luật Đất đai, ngang ngược chiếm đất của người khác, cố tình không tuân theo pháp luật của Nhà nước, hoặc lợi dụng tình hình phức tạp về ruộng đất để gây rối, phá hoại trật tự, an ninh xã hội thì phải sử lý theo pháp luật.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các Bộ, Tổng Cục có liên quan phải chỉ đạo các nông trường, lâm trường kiểm điểm tình hình diễn biến ruộng đất ở từng đơn vị, nắm chắc quỹ đất (diện tích đang canh tác, diện tích tăng vụ, đất mới) và lực lượng lao động, số lượng nhân khẩu, từ đó xây dựng kế hoạch, biện pháp giải quyết các vấn đề cần thiết về ruộng đất của đơn vị.

Trong những năm 1988 các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Quốc phòng, Tổng Cục cao su và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo làm xong việc rà soát nhu cầu thực tế, quy hoạch đất đai trong các đơn vị trực thuộc, soát xét lại phương hướng sản xuất, tính toán kỹ khả năng về vốn, vật tư, lao động nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Nếu thấy không có điều kiện sử dụng hết diện tích đất đai đã quy hoạch cho đơn vị thì phải chuyển giao cho chính quyền địa phương số đất dôi ra để cấp cho các đơn vị kinh tế tập thể hoặc giao cho nông dân đang thiếu đất sản xuất.

Tất cả các cơ quan, đơn vị đã dược giao đất để làm công trình xây dựng và các công việc khác phải soát xét lại nhu cầu sử dụng đất, phần đất không sử dụng hết hoặc sử dụng không hiệu quả phải trả lại cho chính quyền địa phương để giao cho tập thể hoặc cá nhân sản xuất.

5. Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền đông Nam Bộ phải cử các đoàn công tác đến những nơi đang có tình hình căng thẳng về ruộng đất để giải quyết kịp thời tại chỗ, coi đây là một công tác đột xuất. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng Cục quản lý ruộng đất có trách nhiệm thường xuyên nắm tình hình và cùng các Uỷ ban nhân dân địa phương chỉ đạo sử lý kịp thời và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh khác cũng phải nắm chắc tình hình diễn biến về ruộng đất để có kế hoạch. Biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp. Bộ Thuỷ sản cùng các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có vùng biển chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề về tổ chức và quản lý đối với ngư dân để ổn định và phát triển sản xuất.

6. Bộ Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, giải thích cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề ruộng đất, đấu tranh với những việc làm sai trái, phổ biến kịp thời những kinh nghiệm tốt về giải quyết ruộng đất ở các địa phương và cơ sở, góp phần tích cực để giải quyết tốt vấn đề ruộng đất.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)