Chỉ thị 152-CT năm 1991 về quản lý các loại xe quá khổ, xe quá tải trọng giới hạn của cầu đường, các loại xe bánh xích chạy trên đường giao thông công cộng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 152-CT
Ngày ban hành 13/05/1991
Ngày có hiệu lực 28/05/1991
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Đồng Sĩ Nguyên
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 152-CT

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC LOẠI XE QUÁ KHỔ, XE QUÁ TẢI TRỌNG GIỚI HẠN CỦA CẦU ĐƯỜNG, CÁC LOẠI XE BÁNH XÍCH CHẠY TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị định số 203-HĐBT ngày 21 tháng 12 năm 1982 ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, Quyết định số 6-CT ngày 3 tháng 1 năm 1990 nhằm tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm Điều lệ bảo vệ đường bộ.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ngày càng có nhiều xe bánh xích, xe quá khổ, xe có tải trọng vượt quá giới hạn cho phép của cầu đường vẫn chạy trên đường giao thông công cộng, làm cho đường sá càng bị hư hỏng nặng nề, cầu cống bị sập đổ, thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, làm ách tắc giao thông và gây tai nạn trên đường.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Bộ Nội vụ, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các ngành có liên quan tiến hành ngay những việc sau đây:

1. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành luật lệ giao thông, đặc biệt là việc chấp hành các quy định đối với các loại xe bánh xích, xe quá khổ, xe có tải trọng quá giới hạn của cầu đường, không được hoạt động trên đường giao thông công cộng. Trường hợp đặc biệt thì phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của ngành giao thông vận tải cấp và chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí để tăng cường cầu đường và bảo đảm an toàn giao thông.

Trên các trục giao thông có các loại xe nói trên, nhất là các xe chở gỗ thường xuyên hoạt động, ngành giao thông vận tải và bưu điện và cảnh sát giao thông phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra chặt chẽ các loại xe nói trên và được phép tổ chức cân kiểm tra trọng tải xe.

2. Việc xử lý các vi phạm phải thật nghiêm để bảo đảm việc chấp hành luật lệ có hiệu lực cao. Tuỳ theo mức độ vi phạm để áp dụng các hình thức xử phạt sau:

Phạt tiền, bồi thường thiệt hại đối với cầu đường và buộc phải dỡ phần hàng quá trọng tải giới hạn cho phép của cầu đường. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử phạt theo luật pháp.

3. Ngành giao thông vận tải có trách nhiệm tăng cường duy tu sửa chữa cầu đường, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt.

- Các ngành, các địa phương nhập các loại xe lưu hành trên các đường giao thông công cộng phải căn cứ vào năng lực chịu tải của cầu đường do Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện quy định để tránh lãng phí và không làm mất an toàn cầu đường.

4. Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan căn cứ chức năng, quyền hạn được Nhà nước giao có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn, các quy định cụ thể cho sát hợp tình hình, và tổ chức việc thực hiện ngay Chỉ thị này.

5. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

 

 

Đồng Sĩ Nguyên

(Đã ký)