Chỉ thị 151-CT năm 1982 về cuộc điều tra lao động kỹ thuật năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 151-CT |
Ngày ban hành | 25/05/1982 |
Ngày có hiệu lực | 09/06/1982 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Võ Nguyên Giáp |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151-CT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 1982 |
CHỈ THỊ
VỀ CUỘC ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG KỸ THUẬT NĂM 1982
Hiện nay, chúng ta đã có một đội ngũ lao động kỹ thuật khá đông đảo, gồm 26 vạn cán bộ có trình độ đại học trở lên, hơn 1,7 triệu có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật. Hàng năm, số học sinh tốt nghiệp ở các trường chuyên nghiệp được bổ sung ngày càng nhiều, nhưng việc bố trí sử dụng chưa hợp lý, cơ cấu ngành nghề và trình độ của đội ngũ này chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và phát triển các ngành khoa học và kỹ thuật trọng điểm của nước ta.
Để thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20-4-1981 của Bộ Chính trị về chính sách khoa học, và kỹ thuật và Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 20-11-1980 về công tác tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định tiến hành trong năm 1982 cuộc điều tra lao động kỹ thuật trong cả nước như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nắm đựơc một cách chính xác số lượng, cơ cấu đội ngũ lao động kỹ thuật trong cả nước, nhằm phục vụ cho việc lập kế hoạch đào tạo, bố trí sử dụng hợp lý.
2. Phát hiện những cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ có năng lực và phẩm chất để có kế hoạch bồi dưỡng thành những cán bộ quản lý giỏi, cán bộ tham mưu tổng hợp và cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ nòng cốt ở các ngành, các cấp.
3. Đặt cơ sở cho công tác quản lý thường xuyên số cán bộ khoa học - kỹ thuật các cấp, xây dựng thành chế độ báo cáo thống kê định kỳ hàng năm về đội ngũ này.
Trong khi tiến hành cuộc điều tra có tính chất cơ bản này, các ngành, các cấp vẫn phải tiếp tục công tác kiểm kê nắm lại đội ngũ cán bộ của mình để bố trí và sử dụng hợp lý hơn, tập trung cán bộ cho các nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường mạnh mẽ cán bộ cho cơ sở điều chỉnh ngay những trường hợp bất hợp lý, theo như kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (Chỉ thị số 138-TTg ngày 27 tháng 6 năm 1981).
II. ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRA VÀ ĐƠN VỊ TIẾN HÀNH
Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh thuộc trung ương và địa phương, các lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các tổ chức thuộc thu vực kinh tế tập thể đều phải tiến hành điều tra, thống kê số lượng, chất lượng của tất cả các cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ đã tốt nghiệp (có bằng cấp) từ bậc trung học chuyên nghiệp trở lên và công nhân kỹ thật thuộc quyền mình quản lý.
III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA
Nội dung điều tra gồm các chỉ tiêu tổng hợp sau đây:
- Tổng số cán bộ khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ chia theo trình độ đào tạo, ngành, nghề đào tạo, nghề nghiệp đang làm, chia theo kết cấu nam nữ, dân tộc, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, độ tuổi và chia theo cấp quản lý.
- Công nhân kỹ thuật chia theo nghề nghiệp đang làm, theo kết cấu nam nữ, dân tộc, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, theo trình độ văn hoá, theo cấp bậc công nhân và theo cấp quản lý.
IV. THỜI GIAN ĐIỀU TRA
Thời điểm điều tra thống nhất trong cả nước vào 0 giờ ngày 1 tháng 9 năm 1982.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA.
1. Ở cấp Trung ương.
Thành lập Ban chỉ đạo điều tra lao dộng kỹ thuật Trung ương để giúp Hội đồng Bộ trưởng tổ chức chỉ đạo toàn bộ, cuộc điều tra này, thành viên của ban gồm có:
- Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, trưởng ban.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban thường trực.
- Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Phó trưởng ban.
- Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, uỷ viên.
- Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, uỷ viên.
- Thứ trưởng Bộ lao động, uỷ viên.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, uỷ viên
- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, uỷ viên.
- Phó trưởng ban khoa giáo Trung ương Đảng, uỷ viên.
- Chủ nhiêm Ban liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Trung ương, uỷ viên.
Ban chỉ đạo điều tra lao động kỹ thuật Trung ương có trách nhiệm căn cứ các quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn, chỉ đạo cuộc điều tra, quy định các biểu mẫu, kế hoạch điều tra và thời gian báo cáo, tổng hợp và phân tích kết quả điều tra để báo cáo lên thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.
Ban chỉ đạo điều tra Trung ương có một văn phòng do Tổng cục Thống kê tổ chức. Các cơ quan có đại diện tham gia Ban chỉ đạo có trách nhiệm cử cán bộ giúp việc Ban chỉ đạo trong thời gian tiến hành điều tra.
2. Ở cấp tỉnh, thành phố:
Thành lập Ban chỉ đạo điều tra lao động kỹ thuật tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương, thành viên gồm có:
- Một Phó chủ tịch. Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố làm trưởng ban
- Chi cục trưởng cục thống kê, Phó trưởng ban thường trực.
- Trưởng ban khoa học kỹ thuật, phó ban.
- Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch tỉnh, uỷ viên.
- Giám đốc Sở, Ty lao động, uỷ viên.
- Giám đốc Sở, Ty nông nghiệp ủy viên
- Chủ nhiệm Ban liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tỉnh ủy viên.
3. Ở cấp huyện, quận, thị xã:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện điều tra số lao động kỹ thuật trong khu vực tập thể thuộc phạm vi mình quản lý.
4. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm tiến hành điều tra thống kê lực lượng cán bộ trong cơ quan mình và có chỉ thị cho các đơn vị cơ sở thuộc quyền quản lý đóng tại địa phương chấp hành việc điều tra của Ban chỉ đạo điều tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao có nhiệm vụ điều tra lực lượng lao động kỹ thuật do mình phụ trách theo kế hoạch và tiến độ chung; tiến hành tổng hợp riêng và gửi kết quả tổng hợp đến ban thường trực, chỉ đạo điều tra Trung ương theo thời gian quy định.
6. Việc tiến hành điều tra ở các cơ quan Đảng và đoàn thể ở Trung ương cũng theo kế hoạch chung nhưng do Ban tổ chức Trung ương hướng dẫn riêng.
7. Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp phát và quyết toán kinh phí cho ban chỉ đạo điều tra các cấp.
Bộ Văn hoá có trách nhiệm cấp đủ giấy để lập các phiếu điều tra, tài liệu và tổng hợp xuất bản tài liệu.
Trưởng ban chỉ đạo điều tra Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Chỉ thị này.
Thủ trưởng các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
|
Võ Nguyên Giáp (Đã ký)
|