Chỉ thị 15/1999/CT.UBT về tăng cường pháp chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính do tỉnh Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 15/1999/CT.UBT |
Ngày ban hành | 28/06/1999 |
Ngày có hiệu lực | 28/06/1999 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cần Thơ |
Người ký | Võ Hoàng Xinh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1999/CT.UBT |
Cần Thơ, ngày 28 tháng 06 năm 1999 |
CHỈ THỊ
"V/V TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ TRONG CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH"
Trong những năm qua, thực hiện Pháp lệnh xử lý các vi phạm hành chính, các văn bản thi hành của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương bước đầu đã đạt được nhiều kết qủa nhất định, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống hành vị vi phạm hành chính, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần phải chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời, việc quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính còn bị buông lỏng trong một số lĩnh vực; từng lúc, từng nơi người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính xử lý không kịp thời, không đúng mức hoặc vượt quá thẩm quyền vv.. dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc thực thi pháp luật. Nhằm tăng cường pháp chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm những qui định của pháp luật về xử lý vị phạm hành chánh.
2. Các cơ quan, đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính và UBND tỉnh thành phố Cần Thơ, UBND huyện, UBND xã, phường, thị trấn phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm hành chính, trên lĩnh vực địa bàn mình quản lý.
3. Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính các cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, đúng thẩm quyền và những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được qui định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính do ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 06/07/1995 và các Nghị định của Chính phủ qui định những hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực.
Nghiêm cấm việc lạm dụng quyền hạn để sách nhiễu, dung túng, bao che cho các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời trong trong xử lý vi phạm hành chính, không được hành chính hóa các tranh chấp dân sự hoặc hình sự hóa các vi phạm hành chính và ngược lại.
4. Giao Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, Phường, thị trấn:
Xem xét bố trí cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phải thường xuyên tổ chức học tập cho cán bộ, công chức, chiến sĩ, thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý, nắm vững và cập nhật kiến thức pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách.
Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, nghiêm túc kiểm điểm đánh giá những mặt đã làm được, những tồn tại thiếu sót trong việc xử lý các vị phạm hành chính trong thời gian qua, có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót và đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên các phương thiện thông tin đại chúng, đến các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh. Quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc, các nơi báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.
|
TM. UBND TỈNH CẦN
THƠ |