Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 13/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/09/2019 |
Ngày có hiệu lực | 13/09/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Nguyễn Thanh Tịnh |
Lĩnh vực | Quyền dân sự |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 13 tháng 9 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Sau hơn 09 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển biến tích cực. Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện tốt việc xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; chủ động, tích cực tạo lập Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng bản giấy để phục vụ nhiệm vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân, cơ quan tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định, số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tình trạng thiếu hụt, sai sót thông tin trong quá trình lập Lý lịch tư pháp và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vẫn còn; công tác lập, lưu trữ hồ sơ bằng giấy và việc sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng, quản lý và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu:
1. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Luật Lý lịch tư pháp, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp.
Xác định nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, góp phần tăng cường quản lý xã hội tại địa phương.
2. Giám đốc Sở Tư pháp
a) Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
b) Chủ động, tích cực phối hợp rà soát, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định.
c) Tăng cường biện pháp giải quyết số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng, chưa được xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; kiểm tra, kiểm soát công tác xử lý, cập nhật thông tin bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Thực hiện đúng quy định việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp có từ ngày 01/7/2010 để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, hạn chế tối đa tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
d) Chủ động kiện toàn, bổ sung công chức làm công tác lý lịch tư pháp, bảo đảm biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp. Quan tâm, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả những công chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lý lịch tư pháp; có giải pháp hợp lý về nhân lực để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, sử dụng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
e) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.
3. Giám đốc Công an tỉnh
a) Chỉ đạo Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định, tránh tình trạng chậm trễ như thời gian vừa qua.
b) Thống nhất hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện việc xác nhận cư trú đối với người nước ngoài theo quy định của Luật Cư trú đảm bảo việc xác định thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
c) Chỉ đạo Công an cấp huyện thực hiện nghiêm túc quy định của Hướng dẫn số 05/HD-C81-C83 ngày 20/8/2015 của Bộ Công an về cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cho người đã hết thời hạn chấp hành án tại xã, phường, thị trấn trước ngày 01/7/2011.
4. Cục Trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh
a) Chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn; Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện việc cung cấp thông tin về án phí, trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ bồi thường của các bản án hình sự kịp thời, chính xác cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.
b) Thống nhất hướng dẫn Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc xác nhận đối với thông tin về án phí, trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ bồi thường của các bản án hình sự đã hết thời hiệu thi hành hoặc không có yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho công dân thực hiện việc xóa án tích và tái hòa nhập cộng đồng.
5. Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ nhiệm vụ cập nhật, xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phục vụ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho cá nhân, tổ chức theo quy định hàng năm.
6. Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh khi ban hành Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, cấp Giấy chứng tử cho công dân theo thẩm quyền có trách nhiệm gửi bản sao Quyết định, Giấy chứng tử cho Sở Tư pháp thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh.
7. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tích cực chủ động thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Bộ luật Hình sự năm 2015 kịp thời, chính xác cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo thời gian theo quy định.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị tới toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị và nhân dân trên địa bàn, tạo sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |