Chỉ thị 13/2002/CT.UBNDT về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu | 13/2002/CT.UBNDT |
Ngày ban hành | 06/12/2002 |
Ngày có hiệu lực | 06/12/2002 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký | Nguyễn Duy Tân |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2002/CT.UBNDT |
Sóc Trăng, ngày 06 tháng 12 năm 2002 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Trong các năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, các tổ chức chính trị, xã hội..v..v... và trong dân cư về công tác này được nâng lên; hầu hết các đơn vị, địa phương đã thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và thường xuyên tổ chức diễn tập, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định, đã góp phần hạn chế các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; còn một số cơ quan, bộ phận trong nhân dân ý thức, trách nhiệm phòng ngừa cháy nổ chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và kiểm tra hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng cháy, chữa cháy chưa thường xuyên, kịp thời; phương tiện phòng cháy, chữa cháy cũ kỷ, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mặt khác, việc phối hợp, ứng cứu chữa cháy của lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách còn hạn chế, không chặt chẽ, bài bản, do vậy trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn còn nhiều vụ cháy xảy ra làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Để thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy chữa cháy và Công điện số 1380/CP-NC, ngày 04/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm từng bước chấn chỉnh và tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Thủ trưởng các ngành, các cấp (kể cả các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương), các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại (chợ), chủ sở hữu các nhà cao tầng..v..v... chủ động phối hợp với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách (Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy) tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy; quan tâm đầu tư trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, nguồn nước và tổ chức đội chữa cháy bán chuyên trách tại đơn vị để kịp thời xử lý tại chỗ khi có cháy xảy ra.
2. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm:
- Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, những quy định và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rộng rãi đến toàn dân để các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân nâng cao ý thức tích cực thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy, trình Bộ Công an thẩm định, phê duyệt và có kế hoạch đầu tư từng bước. Trước mắt tiến hành rà soát, kiểm tra các phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên trách (lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy), bán chuyên trách ở các cơ quan, khu dân cư, trường học, bệnh viện, các tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nguyên, vật liệu dễ cháy nổ. Đồng thời, có kế hoạch nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách, đảm bảo có tính chuyên nghiệp cao, trang bị đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ; tổ chức diễn tập chữa cháy kết hợp cứu hộ, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các chất dễ nổ, dễ phát sinh lửa, nguồn nhiệt và các loại thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt..v..v... theo quy định, nhằm tạo điều kiện an toàn cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Phối hợp Sở Xây dựng có biện pháp quản lý, kiểm tra, thẩm định chặt chẽ các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy theo quy định đối với các dự án quy hoạch, xây dựng mới và cải tạo nhà cao tầng, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp..v..v... đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng. Trong đó, chú ý tiến hành phân loại rừng để xác định phạm vi bảo vệ an toàn phòng cháy, mức độ nguy hiểm về cháy để có giải pháp, phương án phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại rừng; thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô, tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
4. Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh căn cứ Pháp lệnh và các quy định về phòng cháy chữa cháy để xây dựng các quy định, nội quy cụ thể về sử dụng điện, lửa, chất dễ cháy, dễ nổ trong các khu dân cư tập trung, chợ nông thôn..v..v... để hướng dẫn nhân dân thực hiện. Tổ chức lực lượng, đảm bảo phương tiện, nguồn nước để phòng cháy và chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra trên địa bàn quản lý.
5. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xét duyệt các phương án phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi ngành, địa phương quản lý. Định kỳ tổ chức diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy theo quy định, trong đó phải hết chú ý đến chất lượng, nội dung, biện pháp phòng cháy, chữa cháy phải thật phù hợp với kiến trúc xây dựng và địa bàn dân cư, tránh diễn tập mang tính hình thức, không sát với thực tế.
6. Giám đốc Sở Y tế có kế hoạch trang bị đủ phương tiện, thiết bị, thuốc men cấp cứu cần thiết khi có tai nạn cháy nổ xảy ra; có biện pháp đưa nhân viên cấp cứu y tế kịp thời có mặt tại hiện trường và phối hợp cùng lực lượng chữa cháy cứu hộ nạn nhân.
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn dân, liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao Giám đốc Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng quý, 6 tháng phải báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
|
TM.
UBND TỈNH SÓC TRĂNG |