Chỉ thị 12-TTg năm 1992 về công tác phòng chống sốt rét ở Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 12-TTg |
Ngày ban hành | 17/10/1992 |
Ngày có hiệu lực | 17/10/1992 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Khánh |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1992 |
CHỈ THỊ
CUẢ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 12-TTG NGÀY 17-10-1992 VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT Ở TÂY NGUYÊN
Hiện nay, bệnh sốt rét ở Tây Nguyên đang phát triển rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Y tế trong 9 tháng đầu năm 1992, số người chết do sốt rét ở Tây Nguyên đã lên tới 507 người, chiếm 50,2% tổng số người chết do sốt rét của cả nước trong năm nay; Số người mắc bệnh sốt rét là 92.398 người, chiếm 20% tổng số người mắc bệnh sốt rét trong cả nước. Với số dân chưa đến 3 triệu người, số người mắc bệnh sốt rét và chết do sốt rét của các tỉnh Tây Nguyên như vậy là rất cao.
Để kịp thời ngăn chặn sự phát triển nghiêm trọng của bệnh sốt rét ở các tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Bộ Y tế báo cáo ngay (trong tháng 10 năm 1992) cho Thủ tướng Chính phủ rõ nguyên nhân của tình hình sốt rét đặc biệt là tình hình nhiều người chết vì sốt rét ở địa phương, khuyết điểm và trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành y tế trong việc này.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác chống sốt rét trên toàn địa bàn Tây Nguyên, huy động mọi lực lượng của Trung ương và địa phương, thành lập các đội cơ động đi đến từng buôn, bản để phun hoặc tẩm hoá chất diệt muỗi và điều trị sốt rét cho dân. Bộ tăng thêm kinh phí mua thuốc, hoá chất bảo đảm kịp thời yêu cầu phòng chống sốt rét ở Tây Nguyên.
3. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế triển khai công tác phòng chống bệnh sốt rét ở địa phương, thành lập ngay các đội y tế lưu động để tiến hành kịp thời các biện pháp phòng chống sốt rét, tổ chức nắm tình hình sốt rét kịp thời và chính xác, nhất là ở những huyện, xã, bản ở vùng cao, vùng xa, vùng biên giới.
Uỷ ban nhân dân tỉnh phải trích ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu chi cho các việc phun, tẩm và vận chuyển hoá chất, cấp đủ chỉ tiêu kinh phí cho các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện, để có đủ số thuốc thông thường, phương tiện hồi sức cấp cứu tối thiểu và các điều kiện cần thiết để điều trị người bệnh.
Các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ và các đoàn thể nhân dân ở địa phương làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
4. Các Bộ, Tổng cục có các công, nông, lâm trường, xí nghiệp và các đơn vị đóng trên địa bàn Tây Nguyên có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và ngành Y tế để làm công tác phòng chống sốt rét đối với nhân dân địa phương và đối với cán bộ, công nhân, nhân viên của ngành hoạt động ở địa phương.
5. Nếu thật cần phải bổ sung kinh phí chống sốt rét năm 1992, Bộ Y tế làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính để giải quyết cụ thể.
Kể từ tháng 10 năm 1992, yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế và các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh hàng tháng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ diễn biến tình hình sốt rét, những kết quả đã đạt được, những khó khăn cần giải quyết trong công tác phòng chống sốt rét ở Tây Nguyên.
|
Nguyễn Khánh (Đã ký)
|