Chỉ thị 12/CT- UB năm 1992 về tăng cường công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 12/CT-UB |
Ngày ban hành | 06/07/1992 |
Ngày có hiệu lực | 06/07/1992 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Trần Văn Nghĩa |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UB |
Bến Tre, ngày 06 tháng 7 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và tập trung chỉ đạo việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ, nhằm giảm tỷ lệ phát triển dân số, nâng mức sống nhân dân ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 1989 chấp hành sự chỉ đạo của TW, về công tác dân số và được sự tài trợ của tổ chức UNFPA, ở tỉnh đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác dân số và cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Từ đó, công tác dân số - KHHGĐ từng bước phát triển. Tỷ lệ số người trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai từ 35% đã nâng lên 48%, tỷ lệ phát triển dân số đến cuối năm 1991 là 1,9% tỷ suất sinh 25,62% (dân số tính đến cuối năm 1991: 1.275.870 người.
Công tác dân số - KHHGĐ bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, trên toàn xã hội, quần chúng hưởng ứng chưa mạnh, chưa đều nhất là vùng nông thôn, nơi trình độ dân trí chưa cao, chất lượng cuộc sống thấp. Kiểm điểm kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT của Thường trực Tỉnh ủy, ta thấy hoạt động hãy còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân của nó là các cấp ủy Đảng lãnh đạo chưa chặt chẽ, chính quyền triển khai chưa có đề án, biện pháp cụ thể; các đoàn thể, giáo dục chưa rộng khắp các vùng nông thôn sâu, chưa đi vào từng đối tượng, nhân dân chưa thấu hiểu cặn kẽ chủ trương và lợi ích của việc áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.
Trong khi nền kinh tế của tỉnh còn chưa có điều kiện để phát triển nhanh, tốc độ tăng dân số lại quá nhanh sẽ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế đời sống. Vì vậy giảm tốc độ tăng dân số là mục tiêu có tính chiến lược. Với ý nghĩa đó chúng ta phải quyết tâm giảm tỷ lệ tăng dân số hàng năm từ 0,6-0,7%o. Phấn đấu cuối năm 1995 toàn tỉnh đạt tỷ lệ tăng dân số 1,7% như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, phường tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung sau đây:
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh đến cơ sở phải xem công tác dân số trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thực sự là một quốc sách; phải gắn vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương như là một chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước.
2. Uỷ ban Dân số và KHHGĐ tỉnh phải tăng cường hoạt động, thường xuyên theo dõi và giúp đỡ Ban Dân số - KHHGĐ ở các cấp. Các bộ, ngành hoạt động dân số phải được tăng cường. bảo đảm đủ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị, vũ trang cần phân công cán bộ phụ trách dân số - KHHGĐ. Phải xây dựng đề án dân số - KHHGĐ để đạt mục tiêu đến năm 1995.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng bằng mọi hình thức và ý nghĩa quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục nhận thức mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi công dân có quyền lợi, nghĩa vụ trong cộng đồng xã hội, có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ để tạo điều kiện nâng cao mức sống xã hội các ngành, đoàn thể phối hợp, tập trung công tác truyền thông ở 1 số điểm, rút kinh nghiệm phát động diện rộng. Điều tra phân loại các đối tượng cần áp dụng biện pháp tránh thai để phân công từng đoàn thể vận động. Trước mắt để chuẩn bị kỷ niệm ngày dân số thế giới 11/7, các ngành, các cấp cần tổ chức các cuộc truyền thông, tập hợp quần chúng để phổ biến sâu rộng trong mọi giới ý nghĩa của công tác dân số - KHHGĐ và biện pháp triển khai thực hiện.
4. Uỷ ban Dân số - KHHGĐ cần phối hợp với các ngành đoàn thể tổ chức hội thảo, các hội nghị chuyên đề hàng năm để nâng cao nhận thức về dân số - KHHGĐ, đồng thời tạo điều kiện đưa kiến thức này vào các trường nhất là Trường Đảng và Trường Hành chính.
Uỷ ban Dân số - KHHGĐ tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và thường kỳ báo cáo về thường trực UBND tỉnh./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |