Chỉ thị 12/2012/CT-UBND xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 12/2012/CT-UBND
Ngày ban hành 19/06/2012
Ngày có hiệu lực 29/06/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Cao Khoa
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2012/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 6 năm 2012

 

CHỈ THỊ

XÂY DỰNG, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG NGÃI

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác pháp chế, nâng cao vị trí, vai trò của các tổ chức pháp chế và hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế, góp phần đảm bảo việc thực hiện quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã có nhiều nội dung mới, quy định rõ về vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế; bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao cho tổ chức pháp chế; quy định cụ thể hơn về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; trong đó, quy định 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập Phòng Pháp chế. Đặc biệt, Nghị định cũng đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn chuyên môn của người làm công tác pháp chế và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho cán bộ, công chức, viên chức pháp chế. Với các điều khoản chuyển tiếp, Nghị định đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, thời hạn hoàn thành việc thành lập mới, củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc phạm vi quản lý và chuẩn hoá tiêu chuẩn đối với người làm công tác pháp chế.

Để triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả và nhằm củng cố, xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, doanh nghiệp nhà nước của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước của tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức triển khai:

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước của tỉnh tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ, đúng và thống nhất về các nội dung cơ bản của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có lộ trình rõ ràng và định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện.

2. Về xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế:

a) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Về tổ chức: Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Phòng Pháp chế. Đối với các cơ quan chuyên môn không quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có trách nhiệm bố trí công chức pháp chế chuyên trách để thực hiện một số công việc liên quan đến công tác pháp chế cho cơ quan, đơn vị.

- Về công chức làm công tác pháp chế: Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã phân công, bố trí công chức làm công tác pháp chế thì tiến hành củng cố, hoàn thiện đội ngũ công chức làm công tác pháp chế đủ tiêu chuẩn chuyên môn, ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ của công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị.

b) Đối với doanh nghiệp nhà nước:

- Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế của doanh nghiệp mà thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đã thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách thì người quản lý doanh nghiệp xem xét củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế để bảo đảm hoạt động pháp chế của doanh nghiệp đạt hiệu quả.

3. Về điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác pháp chế:

a) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, phân công, bố trí công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Cán bộ hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau năm năm, kể từ ngày Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, cán bộ làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

b) Đối với doanh nghiệp nhà nước: Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác pháp chế quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để lựa chọn, bố trí, sử dụng nhân viên làm công tác pháp chế chuyên trách cho doanh nghiệp.

4. Thời hạn, tiến độ xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế:

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh khẩn trương xúc tiến xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị và phải hoàn thành trước ngày 25 tháng 8 năm 2012.

5. Trách nhiệm thi hành:

a) Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập, bảo đảm biên chế cho tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ sau:

Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Chỉ thị này.

Chủ động tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Chỉ thị này cho các sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước của tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng, trình HĐND, UBND các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý nhà nước và triển khai công tác pháp chế.

Tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên pháp chế.

Xây dựng đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

[...]