Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 26/04/2019
Ngày có hiệu lực 26/04/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Thị Lĩnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Thái Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều vụ bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại tỉnh Thái Bình, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng, song công tác này vẫn còn một số hạn chế; tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị đuối nước trong năm 2018 vẫn chưa giảm đáng kể.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mực cho công tác này; sự tham gia của các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em còn hạn chế.

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, bị đuối nước....; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác BVCS&GDTE; cần quán triệt sâu sắc tinh thần Luật Trẻ em năm 2016, các quy định pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đặc biệt là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Công văn số 5021/UBND-KGVX ngày 27/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác BVCS&GDTE. Phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Đồng thời kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt về BVCS&GDTE.

3. Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Các địa phương trong tỉnh cần bố trí ngân sách đầu tư cho sự nghiệp BVCS&GDTE.

4. UBND huyện, thành phố ban hành Kế hoạch riêng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tích cực triển khai mô hình bể bơi và dạy bơi tại các trường học theo hình thức xã hội hóa có sự hỗ trợ của ngân sách huyện, thành phố.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND huyện, thành phố tổ chức phát động cuộc vận động "Nói không với bạo lực học đường và bạo hành trẻ em".

6. Về giao trách nhiệm với người đứng đầu: Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường thị trấn trong tỉnh phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vụ việc bạo hành, xâm hại, đuối nước trẻ em trên địa bàn.

7. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo tình hình, vụ việc nảy sinh liên quan đến trẻ em về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kịp thời theo quy định.

- Báo cáo đột xuất: ngay sau khi vụ việc xảy ra.

- Báo cáo tình hình thực hiện công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em định kỳ 6 tháng (trước 20/5), báo cáo năm (trước 15/11) hằng năm.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố nghiêm túc triển khai nội dung trên./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT Tỉnh ủy, TT HDND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Huyện ủy, thành ủy;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, KGVX, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lĩnh

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ