Chỉ thị 08/CT-UB năm 2001 về đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán trong nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 08/CT-UB
Ngày ban hành 16/04/2001
Ngày có hiệu lực 16/04/2001
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Hoàng Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08 /CT-UB

Long Xuyên, ngày 16 tháng 4 năm 2001

 

CHỈ THỊ

V/V ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRỒNG CÂY PHÂN TÁN TRONG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện lời dạy của Bác: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Những năm qua, việc tổ chức trồng cây phân tán trong tỉnh đạt được nhiều kết quả nhất định, vừa góp phần tăng thêm độ che phủ, tạo màu xanh, vừa cung cấp gỗ - của cho nhân dân, vừa hạn chế dòng chảy phòng hộ cho nông nghiệp, nhất là những năm lũ lớn có cây gỗ làm đê kè chống sạt lỡ, sửa chữa nhà sau lũ rút...Tuy nhiên, việc trồng cây hàng năm tốc độ còn chậm và chủ yếu trồng quanh nhà, còn lại các tuyến đê, kênh, mương và trục lộ giao thông mới mở và ở vùng sâu, vùng xa chưa được chú ý trồng cây chắn sóng, bảo vệ, chống sạt lỡ trong mùa ngập lũ. Hơn nữa, tỉnh ta nằm trong vùng đồng bằng, đất trồng rừng tập trung rất ít nên việc phát triển cây trồng phân tán là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong tỉnh. Mặt khác, ý thức về vai trò, sự cần thiết phải trồng cây trong dân còn hạn chế.

Để đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1- Phát động phong trào rộng rãi kể từ năm 2001 về sau trong nhân dân, huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho công tác trồng cây dần trở thành nhu cầu của mọi người, là việc làm thường xuyên, trong đời sống hàng ngày. Trồng cây trong vườn, quanh nhà, trên các bờ kênh, mương, bảo vệ đê bao, trục lộ giao thông, cụm, tuyến dân cư, các công sở, trường học, nông - lâm trường, trạm, trại...không để đất trống, tạo nên thảm xanh, bóng mát, chắn sóng, cản lũ, bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở, phòng hộ cho nông nghiệp. Theo nguyên tắc, tỉnh, huyện, xã cùng làm, nhà nước chỉ hỗ trợ theo khả năng, chủ yếu phát động nguồn lực trong dân tự trồng, tự chăm sóc bảo quản và hưởng lợi.

2- Để đạt được mục tiêu nâng độ che phủ trên toàn tỉnh lên 20% vào năm 2010 đạt cấp độ tạm thời ổn định về môi trường, trong đó diện tích cây trồng phân tán đạt từ 45.000 - 50.000 ha (tương đương 90 - 100 triệu cây) theo quy hoạch phát triển lâm nghiệp 2000 - 2010. Giao Chi cục Kiểm lâm tiến hành lập dự án phát triển trồng cây phân tán trong tỉnh, thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2010 để trình duyệt và đưa vào thực hiện từ năm 2002. Phấn đấu mỗi năm trồng từ 8 - 10 triệu cây.

3- Hàng năm Chi cục Kiểm lâm chủ động lập kế hoạch, dự toán kinh phí ngân sách tỉnh, để hỗ trợ một phần cây giống giao cho các huyện nhận về trồng, nhằm tác động xây dựng phong trào vận động nhân dân, công sở, trường học, trạm, trại trồng cây. Tổ chức gieo ươm tạo cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác hợp lý cây trồng, để duy trì khả năng che bóng, chắn sóng, cản lũ, phòng hộ của cây xanh.

4- UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách hàng năm để phát triển cây phân tán trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các xã tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân, hướng dẫn, kiểm tra việc trồng cây đạt kết quả cao nhất.

5- Sở Tài chính - Vật giá hàng năm có nhiệm vụ cân đối vốn kinh phí sự nghiệp để hỗ trợ phong trào trồng cây theo DA. Phát triển trồng cây phân tán được duyệt.

6- Ngành giáo dục - đào tạo có trách nhiệm tổ chức trồng cây trong các trường học, cho học sinh trồng cây trên đất của vườn nhà. Đưa vào chương trình giảng dạy về ý nghĩa, kỹ thuật trồng cây, trồng rừng tạo cho các em có thói quen biết quí trọng cây xanh và nâng dần ý thức về trồng cây, gây rừng, bảo vệ cây, bảo vệ rừng.

7- Các ngành và đoàn thể như: kế hoạch, nông nghiệp, địa chính, quân sự, công an, các cơ quan thông tin đại chúng, nông dân, thanh niên, phụ nữ,... theo chức năng, nhiệm vụ, tuyên truyền vận động nhân dân trồng cây; dần trở thành nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi người. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thực hiện tốt công tác trồng cây phân tán hàng năm.

8- Đối với các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, đê bao, bờ kênh cấp I,II, cụm - tuyến dân cư, khi lập dự án đầu tư và thiết kế dự toán công trình chủ đầu tư phải đưa vào hạng mục trồng cây bảo vệ, chống sạt lỡ cho công trình và thực hiện trồng cây sau khi công trình hoàn thành.

Yêu cầu các ngành, các cấp và các đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị này, nhanh chóng phát triển diện tích cây xanh phòng hộ môi sinh và chắn sóng, cản lũ tạo điều kiện sống an toàn cho nhân dân trong mùa lũ, bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng của xã hội, tạo cảnh quan bóng mát để cải thiện và bảo vệ môi trường tự nhiên là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

 

 

Nơi nhận:
- VP.Chính phủ I,II (báo cáo)
- TTTU , TT.HĐND tỉnh (báo cáo)
- CT & PCT UBND tỉnh
- Các Ban Đảng, đoàn thể tỉnh
- Các Sở, ban, ngành tỉnh
- UBND các huyện, thị,TP
- Các Nông, lâm trường
- Lưu.

KT.CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Việt

 

11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ