Chỉ thị 06/2011/CT-UBND về tăng cường thực hiện quy định đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 06/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 07/11/2011
Ngày có hiệu lực 17/11/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2011/CT-UBND

Bình Dương, ngày 07 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRONG NGÀNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng các dự án, công trình xây dựng được triển khai, thi công bàn giao đưa vào vận hành, sử dụng ngày càng nhiều. Trong đó nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật thi công phức tạp; lực lượng lao động tham gia, trong đó có cả lao động nước ngoài tăng nhanh. Các công nghệ, thiết bị thi công tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trên nhiều công trình, đem lại năng suất, hiệu quả lao động cao, tiến độ thi công được rút ngắn, chất lượng công trình tăng lên đáng kể, tạo điều kiện để ngành Xây dựng từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Công tác an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ đã được chú trọng và tăng cường nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, ở một số đơn vị việc thực hiện các quy định về an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ chưa được nghiêm túc. Không ít đơn vị tuy có tổ chức cho cán bộ, nhân viên và người lao động học tập và triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ nhưng còn mang tính hình thức, hiệu quả mang lại chưa cao. Tình trạng an toàn - vệ sinh lao động không đảm bảo trong lao động, vẫn còn xảy ra cháy nổ và tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ theo Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và Chỉ thị 02/CT-BXD ngày 21/3/2011 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường thực hiện các quy định đảm bảo An toàn - Vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ trong ngành Xây dựng.

Để đảm bảo về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công các công trình xây dựng là hết sức quan trọng và cần được các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, cũng như người lao động trực tiếp thi công xây dựng các công trình nhận thức rõ hơn nữa về trách nhiệm của đơn vị cũng như cá nhân trong quá trình lao động. Nhằm khắc phục và chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời nhằm phát huy hiệu quả các quy định về đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong ngành xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ thị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành phối hợp với cấp công đoàn cơ sở tập trung thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Khi triển khai thi công tại công trường: Đơn vị thi công, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan cần nghiêm túc thực hiện các vấn đề sau:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện và kiểm tra việc thực hiện các quy định đã ban hành về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra, đồng thời giúp người lao động nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia thi công xây dựng và lao động tại các công trường xây dựng.

b) Thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức mặt bằng thi công tại các công trường xây dựng và yêu cầu về an toàn điện khi thi công xây dựng. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường để mọi người biết và chấp hành.

c) Tổng thầu hoặc nhà thầu phải thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy, nổ tại công trường, có quy chế hoạt động và phân công, phân cấp cụ thể; Phương án phòng chống cháy, nổ phải được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt. Nhà thầu phải tổ chức đội phòng chống cháy nổ, có phân công, phân cấp và kèm theo quy chế hoạt động.

d) Các chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thành lập bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của các nhà thầu. Kiên quyết dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện vi phạm các quy định về an toàn - vệ sinh lao động. Nếu nhà thầu không có các biện pháp khắc phục phù hợp phải đình chỉ thi công hoặc chấm dứt hợp đồng.

đ) Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy móc, thiết bị và công trình. Thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác an toàn lao động trên công trường; đồng thời quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý công tác an toàn lao động trong quá trình thi công.

e) Những người tham gia thi công xây dựng trên công trường phải được khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định. Những người điều khiển máy, thiết bị và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.

g) Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động, máy và thiết bị thi công phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.

h) Thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định báo cáo về tình hình an toàn lao động trong thi công xây dựng theo Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Biện pháp thực hiện:

a) Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

b) Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này nhằm đảm bảo an toàn, ngăn chặn tai nạn trong lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho công nhân viên chức lao động ở mỗi đơn vị trong ngành. Các trường hợp vi phạm các nội dung đã nêu trên. Đề nghị các đơn vị có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.

c) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Ban quản lý dự án các huyện - thị xã và Ban quản lý các ngành có dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh vào định kỳ 6 tháng (đến ngày 15/6), một năm (đến ngày 10/12) về tình hình thực hiện các quy định đảm bảo An toàn - Vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong xây dựng và cung cấp thông tin nhà thầu vi phạm an toàn lao động trên địa bàn để có cơ sở tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng theo đúng thời gian quy định.

d) Yêu cầu Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Y tế, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương; Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore; Ban quản lý dự án các huyện, thị xã; Ban quản lý các ngành có dự án đầu tư xây dựng; Thủ trưởng các đơn vị; tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung