Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 28/06/2017
Ngày có hiệu lực 28/06/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 28 tháng 6 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Trong giai đoạn 2011 - 2016, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các Ban, Ngành, đoàn thể, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến đáng khích lệ, làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của các Sở, Ngành chức năng chưa đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra có lúc còn chồng chéo; đội ngũ công chức làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở các cấp còn thiếu, trình độ chưa đồng đều; chưa quy hoạch được vùng sản xuất rau, cung cấp nông sản và vùng chăn nuôi, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung an toàn, đảm bảo vệ sinh; công tác xã hội hóa chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí đầu tư cho công tác quản lý an toàn thực phẩm còn thấp, thiếu trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm thực phẩm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân còn tương đối cao (năm 2015 là 62,2; năm 2016 là 5,9).

Nhằm tăng cường hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các Sở, Ban, Ngành, đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số: 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và nhiệm vụ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương:

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với đối tượng, sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm, phối hợp giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt hướng dẫn các cơ sở tự công bố chất lượng sản phẩm (công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm) theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường phối hợp trong truyền thông về an toàn thực phẩm, viết tin bài nêu gương các điển hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và đưa thông tin các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo triển khai và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt an toàn, chợ an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

3. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, Công an các địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Cử lực lượng tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với các ngành chức năng.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung trọng tâm cần triển khai theo Chỉ thị số: 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

- Phối hợp, hướng dẫn các Sở, Ngành, địa phương quản lý, sử dụng số kinh phí được giao theo đúng quy định.

5. Sở Nội vụ quan tâm hỗ trợ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho công chức tham mưu về an toàn thực phẩm thuộc Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, công chức cấp xã.

6. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý; giới thiệu các sản phẩm, địa chỉ sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thực hiện tốt chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn”, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát triển thành chuyên mục an toàn thực phẩm nhằm phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan về tình hình an toàn thực phẩm hiện nay; chỉ đạo, hỗ trợ Đài Phát thanh, Truyền hình cấp huyện tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh tại cấp xã.

8. Các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm cần rà soát, hoàn thiện cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo tiếp nhận đầy đủ, kịp thời tố cáo tổ chức, cá nhân về các vụ việc vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm; xử lý kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho người tố cáo.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm và trên địa bàn; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các cơ quan liên quan triển khai công tác thống kê, phổ biến, hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý; tổ chức, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tổ chức xác nhận nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm thực phẩm do các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở ban đầu nhỏ lẻ sản xuất tại địa bàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn). Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm, công bố hợp quy/phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có bao gói hoàn chỉnh trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

10. Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện hiệu quả công tác vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm theo Chương trình phối hợp số: 456/CTrPH-UBND-UBMTTQ ngày 30 tháng 12 năm 2016, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo sự thống nhất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, các Ban, Ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện Chị thị này; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện, gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

[...]