Chỉ thị 04/CT-NHNN năm 2012 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu | 04/CT-NHNN |
Ngày ban hành | 16/04/2012 |
Ngày có hiệu lực | 16/04/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Nhà nước |
Người ký | Nguyễn Văn Bình |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-NHNN |
Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG
Trong thời gian gần đây trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người về tài sản đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và trật tự an toàn xã hội. Xác định tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trong ngành Ngân hàng, Thống đốc, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự cố gắng thực hiện của các đơn vị trong Ngành, công tác PCCC&CNCH đã đạt được kết quả tốt, việc tổ chức PCCC&CNCH tại các đơn vị được thực hiện đúng quy định nên đã giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra; phong trào toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động tham gia PCCC&CNCH ngày càng phát triển sâu rộng.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về công tác phòng chống cháy, nổ và chữa cháy trong ngành Ngân hàng, đồng thời khắc phục những thiếu sót, tồn tại để đạt được kết quả tốt hơn, căn cứ vào các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH; Thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCCC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng; các Chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nhà máy in tiền Quốc gia; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức thực hiện tốt Luật PCCC và Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH, tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ công chức, viên chức về công tác PCCC, triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước về công tác PCCC đến các đơn vị cơ sở để tổ chức thực hiện;
Tiến hành sơ kết, đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH, báo cáo kết quả về Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản trị) trước ngày 31/5/2012, để tổng hợp báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
2. Tăng cường chỉ đạo công tác PCCC&CNCH, rà soát lại các Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở, củng cố hoạt động của các ban chỉ đạo PCCC&CNCH, các Đội PCCC, Tổ PCCC đủ mạnh để sẵn sàng PCCC&CNCH. Công tác chữa cháy cần quán triệt phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Tập trung xây dựng lực lượng PCCC&CNCH hiểu biết về nghiệp vụ PCCC&CNCH, sẵn sàng chữa cháy, củng cố nâng cao hiệu qủa của Đội PCCC cơ sở. Quan tâm, đãi ngộ về chế độ phụ cấp trách nhiệm, động viên, phát động thi đua khen thưởng đối với những cán bộ, nhân viên được cử vào Ban chỉ đạo, Đội, Tổ PCCC tại đơn vị.
3. Kiểm tra hiện trạng thực tế các công trình xây dựng, đặc biệt là kho tiền, kho lưu trữ hồ sơ, chứng từ và giấy tờ có giá, hệ thống thiết bị tin học, các hệ thống điện, các phương tiện trang thiết bị sử dụng điện, nếu không đúng thiết kế, không đúng công năng, quá tải, cũ hỏng phải cho dừng hoạt động và tổ chức sửa chữa, thay thế; Các công trình xây dựng mới, công trình được cải tạo sửa chữa phải thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật về PCCC và bắt buộc phải có đại diện của Ban chỉ đạo, Đội PCCC cơ sở tham gia ý kiến từ khi thiết kế, tham gia vào ban quản lý công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đầu tư, mua sắm bổ sung các phương tiện PCCC, duy tu bảo dưỡng các phương tiện PCCC đã được trang bị, định kì kiểm tra chất lượng các phương tiện PCCC tại chỗ nếu hư hỏng thì thanh lý, tiêu hủy và mua sắm thay thế bổ sung.
4. Phối hợp với các cơ quan công an PCCC từ Trung ương đến địa phương trong công tác PCCC, từ khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, tổ chức phối hợp thực hiện các phương án PCCC, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC, tổ chức phối hợp khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
5. Định kỳ hàng tháng, quý, năm Thủ trưởng các đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra các đơn vị cơ sở thuộc hệ thống của đơn vị mình quản lý, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật PCCC và công tác chỉ đạo điều hành công tác PCCC của người đứng đầu đơn vị; năm 2012 tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại và nguy cơ mất an toàn về PCCC. Xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm quy định về PCCC.
6. Giao Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chấp hành tuân thủ các quy định của nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước về công tác PCCC.
7. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Nhà máy in tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả chỉ thị này, hàng năm báo cáo kết quả lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước ngày 31/12.
Nơi nhận: |
THỐNG
ĐỐC |