Chỉ thị 04/2004/CT-BYT về tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trong ngành y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 04/2004/CT-BYT
Ngày ban hành 12/04/2004
Ngày có hiệu lực 07/05/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2004/CT-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRONG NGÀNH Y TẾ

Thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 26/9/2001 có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001 và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy ở các đơn vị thuộc ngành y tế đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phòng cháy và chữa cháy ở một số đơn vị thuộc ngành y tế chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy nổ gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của đơn vị. Nguyên nhân của tình hình trên là do Thủ trưởng các đơn vị chưa có sự chỉ đạo chặt chẽ, việc đầu tư trang thiết bị, tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy ở nhiều đơn vị chưa được coi trọng đúng mức.

Để công tác phòng cháy và chữa cháy đi vào nề nếp và có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho các đơn vị trong ngành y tế khẩn trương thực hiện các công việc sau:

1. Lãnh đạo các đơn vị phải tăng cường phổ biến, tuyền truyền, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công chức trong đơn vị nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của công dân, đảm bảo an toàn cho cơ quan, đơn vị.

2. Kiểm tra lại những địa điểm, những công việc có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là những nơi có bảo quản hoá chất, ô xy, xăng dầu, thiết bị đắt tiền, kho hàng dễ cháy…, đồng thời rà soát danh mục các phương tiện, điều kiện phục vụ cho công tác phòng cháy và chữa cháy ở đơn vị mình. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bổ sung đầy đủ trang thiết bị theo quy định. 

3. Ban hành Nội quy về phòng cháy và chữa cháy ở đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

4. Phối hợp với cơ quan Công an phòng cháy, chữa cháy để tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; phát động phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của đội bảo vệ, đội phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, đơn vị.

5. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ hoặc đột xuất; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót theo quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

6. Hàng năm, phối hợp với công an PC-23 địa phương xây dựng kế hoạch phòng cháy và chữa cháy kèm theo bảng phân công trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan (kèm theo kinh phí hoạt động) và phương án phòng cháy, chữa cháy theo quy định (Phương án phòng cháy, chữa cháy phải có đầy đủ: Hồ sơ, bản vẽ mặt bằng chỉ rõ hướng đi của các phương tiện cứu chữa, sự phân công cho các bộ phận trong cơ quan khi có sự cố xảy ra).

7. Kịp thời động viên, khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị phải khẩn trương tổ chức triển khai Chỉ thị tới toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng/1 lần tình hình hoạt động phòng cháy, chữa cháy của đơn vị hoặc báo cáo kịp thời những vụ cháy nổ xảy ra ở đơn vị về Bộ Y tế và cơ quan Công an phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
 
 


Trần Thị Trung Chiến