Chỉ thị 03/CT-UB năm 1994 về tăng cường công tác xử lý nợ tín dụng ngoài quốc doanh do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 03/CT-UB |
Ngày ban hành | 19/02/1994 |
Ngày có hiệu lực | 19/02/1994 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Trần Văn Nghĩa |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UB |
Bến Tre, ngày 19 tháng 02 năm 1994 |
CHỈ THỊ
“VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XỬ LÝ NỢ TD.NQD”
Trong năm 1993 các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh (TC-TD.TQD) trên địa bàn tỉnh có tập trung công tác thu hồi nợ để chi trả tiền gởi cho dân dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý nợ tín dụng (BCĐXLNTD) các cấp. Kết quả trong năm thu nợ được 1.191 triệu đồng bằng 17% số dư nợ tiền vay đầu năm 1993 và chi trả được 2.103 triệu đồng bằng 36% số dư tiền gởi đầu năm. Số dư đến 31/12/1993 của các TCTDNQD về tiền vay còn 5.783 tiệu đồng và tiền gởi dân cư còn 3.741 triệu đồng. Kết quả đạt được như trên là do một số địa phương có quan tâm chỉ đạo thường xuyên công tác xử lý nợ tín dụng, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý nợ TD.NQD trong năm 1994 đạt kết quả cao hơn, sớm kết thúc thời gian thanh lý giải thể của các TCTDNQD nhằm ổn định trật tự xã hội tại địa phương và tạo tiền đề cho việc chuẩn bị thành lập Quỹ tín dụng nhân dân theo mô hình mới phục vụ triển khai nội dung nghị quyết TW5 tại tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND, BCĐXLNTD các cấp và các ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương công tác xử lý nợ TD.NQD trong năm 1994 như sau:
I. BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ TRONG QUÁ TRÌNH XỬ LÝ NỢ TÍN DỤNG
1. Công tác tổ chức thu nợ và chi trả :
Việc tổ chức thu nợ và chi trả phải thực hiện đầy đủ trình tự theo nghiệp vụ đã quy định. Trên cơ sở sao kê phân loại nợ vay và tiền gởi theo Công văn số 258/CV-UB ngày 28/7/1992 của UBND tỉnh, BCĐXLNTD các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện thu hồi nợ và chi trả tiền gởi cụ thể cho từng loại đối tượng.
Quá trình thu nợ chi trả phải được phản ánh ghi chép đầy đủ, cập nhật trên sổ sách và hàng tháng báo cáo về BCĐXLNTD cấp trên, Ngân hàng Nhà nước tỉnh để tổng hợp tình hình để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Để đảm bảo quá trình xử lý trong công tác thu nợ đúng pháp luật, các ngành chức năng như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra, Tư pháp v.v... có trách nhiệm tham mưu hỗ trợ BCĐXLNTD và tổ giúp việc thực thi nhiệm vụ đúng luật định theo trình tự từ khâu đấu tranh với người vay, người bảo lãnh, người có gắn quan hệ kinh tế với người vay (quan hệ trong gia đình) gọi chung là con nợ phải nhận nợ và có trách nhiệm trả nợ, đến khâu thực hiện cưỡng chế hành chánh hoặc khởi tố xét xử theo pháp luật, kê biên phát mãi tài sản, buộc thi hành án v.v...
Riêng những con nợ bỏ trốn khỏi địa phương thì ra lệnh truy nã bằng các phương tiện thông tin đại chúng để được sự hỗ trợ của nhân dân và chính quyền các cấp. Những đối tượng có khả năng trả nợ nhưng kỳ kèo chay ỳ thì kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh cưỡng chế để thu hồi nợ.
Đối với CBCNV Nhà nước còn nợ tín dụng kéo dài thì BCĐXLNTD có trách nhiệm thông báo danh sách về đơn vị công tác, yêu cầu lãnh đạo đơn vị giúp đôn đốc trả nợ. Trường hợp đặc biệt cũng phải bị cưỡng chế, phát mãi tài sản, trừ lương để trả nợ.
2. Công tác thanh lý giải thể các TC-TD.NQD:
- Những TCTDNQD đến nay đã chi trả xong tiền gởi của dân và không còn khoản nợ phải trả nào thì xúc tiến lập thủ tục giải thể ngay trong quí I/1994.
- Trường hợp TCTDNQD nào còn có số dư nêu trên nhưng không đáng kể nếu UBND địa phương của TCTDNQD nơi đó đứng ra cam kết chịu trách nhiệm giải quyết thì cũng được phép giải thể TCTDNQD đó.
Nói chung công tác thanh lý giải thể TCTDNQD được thực hiện đúng tinh thần Công văn hướng dẫn số 56/NHBT-TH-93 ngày 11/8/1993 của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre. Tổ giúp việc thuộc BCĐXLNTD các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra lại tính hợp lệ của việc xin giải thể của TCTDNQD và có ý kiến đề nghị của mình trong việc xử lý giải thể đối với TCTDNQD đó trước khi trình UBND huyện, thị phê duyệt.
3. Công tác trả nợ quỹ đặc biệt cho ngân hàng:
Các đơn vị còn nợ quỹ đặc biệt phải có trách nhiệm hoàn trả dứt điểm (gốc và lãi) cho Ngân hàng chậm nhất đến cuối quí I/1994. Trường hợp đơn vị có khó khăn không khả năng thanh toán kịp thời thì lập tờ trình cụ thể nêu rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục và kế hoạch trả nợ vì về nguyên tắc khoản nợ này không được trì hoãn. UBND tỉnh giao cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh trực tiếp giải quyết vấn đề này đồng thời từng lúc báo cáo đề xuất biện pháp xử lý cho từng đơn vị vay về UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.
II. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Công tác xử lý nợ TD.NQD là trách nhiệm chủ yếu của cơ quan quản lý trực tiếp của TCTDNQD đó, cụ thể là của UBND địa phương và ngành chủ quản của TCTDNQD. Vì vậy địa phương và ngành không được đùn đẩy trách nhiệm về cấp trên. Việc xử lý nếu vượt quá quyền hạn thì địa phương và ngành có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ gởi về BCĐXLNTD cấp trên hỗ trợ giải quyết.
Để đảm bảo tính nhất quán trong công tác xử lý nợ TD.NQD năm 1994 được tốt, UBND tỉnh chỉ đạo một số biện pháp tổ chức thực hiện sau:
1. Khẩn trương củng cố lại BCĐXLNTD và tổ giúp việc (tỉnh, huyện, thị, xã, phường, thị trấn) đảm bảo đủ thành phần theo quy định và hoạt động được liên tục, trong đó thành viên Ban thường trực (Ban chủ nhiệm) của TCTDNQD phải thật sự có trách nhiệm cung cấp thông tin và chủ động đề xuất với BCĐXLNTD hỗ trợ các biện pháp xử lý.
Chủ tịch UBND huyện, thị chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc củng cố hoạt động của BCĐXLNTD trong địa phương. Ngành và cơ quan là thành viên tham gia Ban xử lý mà không tham gia hoặc không cử cán bộ cùng tham gia thì Thủ trưởng ngành hoặc cơ quan đó chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trong công tác này.
Riêng Ban thường trực của TCTDNQD nếu không tham gia thì BCĐXLNTD có biện pháp cưỡng chế bắt buộc, nếu cần truy cứu trách nhiệm xử lý theo pháp luật.
2. BCĐXLNTD và Tổ giúp việc huyện, thị phải hỗ trợ lẫn nhau trong công tác thu hồi nợ đối với những con nợ bỏ trốn từ địa phương này sang địa phương khác, những hiện tượng cản trở, gây khó khăn đều được xem như hành vi bao che con nợ và phải chịu trách nhiệm liên đới.
3. Chính quyền địa phương các cấp trực tiếp chỉ đạo và tạo điều kiện để BCĐXLNTD và Tổ giúp việc được hoạt động thường xuyên như: nơi làm việc, phương tiện đi thu nợ và quyết định mức trích thu nợ làm chi phí phục vụ trong quá trình xử lý, UBND tỉnh thống nhất cho trích tối đa 5% trên tổng số thu nợ. Trường hợp đặc biệt BCĐXLNTD được phép ứng một phần ngân sách địa phương trên nguyên tắc có hoàn trả để phục vụ cho công tác xử lý thu hồi nợ trong kỳ, nghiêm cấm việc lợi dụng khoản ứng nầy để sử dụng vào việc khác. Sở Tài chính vật giá tỉnh có văn bản chỉ đạo việc nầy đến các Phòng Tài chính huyện, thị thực hiện.
Trước mắt cán bộ trưng tập của các cơ quan vào BCĐXLNTD và Tổ giúp việc được hưởng các quyền lợi như là cán bộ phân công đi công tác của cơ quan đó nghĩa là được hưởng lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán công tác phí theo quy định.
4. Định kỳ hàng tháng, BCĐXLNTD các cấp phải tổ chức họp một lần để đánh giá rút kinh nghiệm cho quá trình xử lý tiếp theo và báo cáo về Thường trực BCĐXLNTD tỉnh (Ngân hàng Nhà nước tỉnh) tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh có chỉ đạo tiếp.
Trước mắt các địa phương sau khi củng cố BCĐXLNTD và Tổ giúp việc thì báo cáo danh sách các thành viên của BCĐ, Tổ giúp việc để tiện việc quan hệ công tác.