Chỉ thị 03/2011/CT-UBND tăng cường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Sóc Trăng ban hành
Số hiệu | 03/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 22/06/2011 |
Ngày có hiệu lực | 02/07/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký | Nguyễn Trung Hiếu |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2011/CT-UBND |
Sóc Trăng, ngày 22 tháng 6 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự cố gắng thực hiện của các Sở ngành địa phương, mà nòng cốt là lực lượng Công an, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường, việc phòng cháy, chữa cháy ở nhiều địa phương, cơ sở đã đi vào nề nếp, phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều vụ cháy xảy ra đã được cứu chữa kịp thời, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Những kết quả đó từng bước kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần tích cực đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong những năm gần đây tình hình cháy diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Từ năm 2005 đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ cháy lớn nhỏ, làm chết 02 người, bị thương 05 người, thiệt hại về tài sản gần 03 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy là do một số địa phương, đơn vị cơ sở thực hiện chưa nghiêm các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chưa thực hiện đầy đủ và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy.
Để khắc phục những yếu kém và hạn chế nêu trên; thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường quán triệt triển khai nội dung Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; nêu cao trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của các đơn vị, địa phương. Thực hiện nghiêm và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị, địa phương để chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt chú trọng việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; rà soát, củng cố, xây dựng mới và duy trì hoạt động lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng.
Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại đơn vị, địa phương quản lý.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, các cơ quan Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao hiểu biết, ý thức tự nguyện của các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân trong thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy; xây dựng các chuyên mục “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, “Ngày hội toàn dân phòng cháy, chữa cháy”; đồng thời đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy” nhằm từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong cộng đồng dân cư.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công an tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong phối hợp với UBND các huyện có rừng phòng hộ và rừng ngập mặn xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng hàng năm có hiệu quả theo Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng và Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
4. Công an tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó chú trọng việc quy hoạch, xây dựng mới các đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, đề xuất đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hợp lý, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
5. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy định của Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam trong việc cấp phép xây dựng đối với các công trình, dự án...
6. Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sóc Trăng tiếp tục rà soát kiểm tra và cải tạo hệ thống cấp nước chữa cháy đảm bảo đồng bộ với các thiết bị của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, phục vụ tốt cho công tác chữa cháy; nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề xuất lắp đặt mới các trụ nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, đảm bảo lưu lượng, áp lực nước cần thiết, phục vụ tốt cho công tác chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.
7. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác phòng cháy, chữa cháy ở các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần tập trung ở các khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, kho tàng, các cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy, nổ, nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (4/10/2001 - 4/10/2011) và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (4/10/1961 - 4/10/2011). Đồng thời đề xuất việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Việc tổng kết tiến hành từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; các đơn vị, địa phương gửi báo cáo tổng kết về Công an tỉnh chậm nhất ngày 28/6/2011 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị nội dung báo cáo và các điều kiện cần thiết khác tổ chức tổng kết cấp tỉnh (dự kiến tổ chức cấp tỉnh vào cuối tháng 9/2011).
Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị. Giao Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |