Chỉ thị 03/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu | 03/2009/CT-UBND |
Ngày ban hành | 04/08/2009 |
Ngày có hiệu lực | 11/08/2009 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Huyện Cần Giờ |
Người ký | Nguyễn Hữu Hiệp |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2009/CT-UBND |
Cần Giờ, ngày 04 tháng 8 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ CẦN GIỜ
Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ Rừng phòng hộ Cần Giờ thường xuyên được tăng cường, phối hợp giữa các lực lượng trong tuần tra, kiểm soát, đã hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm về chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng, xâm hại đất rừng; kết quả đó thể hiện được sự quan tâm và trách nhiệm của các ngành, các cấp, đoàn thể và nhân dân, góp phần bảo vệ và phát triển hệ động, thực vật, duy trì tính đa dạng sinh học của Rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, gây thiệt hại đến tài nguyên và sự phát triển của Rừng phòng hộ Cần Giờ. Nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên thiên nhiên Rừng ngập mặn, đòi hỏi các ngành, các xã, thị trấn cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong việc phối hợp chặt chẽ, thống nhất và phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng nhân dân; đồng thời cần xác định, phân tích kỹ động cơ, tính chất, hành vi và quy luật hoạt động của đối tượng vi phạm, từ đó đưa ra các giải pháp và hành động cụ thể tác động vào từng tình huống đảm bảo hiệu quả nhất kể cả mở các đợt cao điểm kiểm tra thường xuyên kết hợp với đột xuất; có kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, đưa ra giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng vi phạm; đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn gắn với trách nhiệm của địa phương nếu để xảy ra hành vi vi phạm. Phát huy trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan có liên quan trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiện nay và để thực hiện đạt kết quả các yêu cầu và nhiệm vụ trên; Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung như sau:
1. Trung tâm Văn hóa huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên hệ thống Đài Truyền thanh các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái Rừng ngập mặn đã và đang phục hồi; tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng…
Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ phối hợp tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng sản xuất dưới tán rừng các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng bằng các hình thức họp dân, phát tờ rơi…
2. Các ngành chức năng (Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ) phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đào, đắp đất rừng, chặt phá rừng trái phép gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và đất rừng phòng hộ; các trường hợp vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã và đào bắt Địa Sâm trong Rừng phòng hộ. Xử lý nghiêm các tụ điểm thu mua, nhà hàng, hàng quán chế biến thức ăn từ động vật hoang dã, Địa Sâm khai thác trái phép trên địa bàn. Vận động nhân dân cùng tham gia và giúp các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong rừng phòng hộ Cần Giờ khi chưa được cơ quan chức năng cho phép như:
- Sử dụng phương tiện cơ giới như máy hút bùn, xáng cạp, Kobe làm thay đổi hiện trạng rừng và đất rừng phòng hộ Cần Giờ.
- Mở rộng sản xuất (làm đầm đập, làm ao nuôi tôm cá, làm muối) trong rừng phòng hộ.
- Đào đắp đất rừng, chặt phá rừng, khai thác củi trong rừng phòng hộ.
- Xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ.
- Săn, bắn, bắt, bẩy động vật hoang dã: khỉ, rái cá, chồn, heo rừng, chim… trong rừng phòng hộ.
- Các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép.
- Tuyệt đối cấm việc đào bắt, vận chuyển, mua bán, chế biến, sử dụng Địa Sâm trên địa bàn. Giao lực lượng Công an, Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý theo quy định pháp luật.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có rừng quan tâm chỉ đạo, tiếp tục duy trì, tăng cường chế độ sinh hoạt của Ban Chỉ huy Thống nhất trên địa bàn xã gắn với nội dung quản lý bảo vệ rừng và đất Rừng phòng hộ. Hàng quý báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ huy Thống nhất cho Thường trực Ủy ban nhân dân huyện. Đồng thời cử cán bộ lãnh đạo tham dự đầy đủ các cuộc họp giao ban công tác bảo vệ rừng định kỳ hàng tháng với Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị nhận khoán nhằm kịp thời trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề xảy ra trên địa bàn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Thực hiện tốt nhiệm vụ theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.
4. Giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ tăng cường quản lý diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện các trường hợp vi phạm. Chủ động phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trên toàn địa bàn, tổ chức lực lượng và phương tiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm chịu trách nhiệm giám sát, quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trong rừng phòng hộ Cần Giờ. Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong rừng phòng hộ ngoài phạm vi xử phạt của ngành kiểm lâm.
Các ban ngành chức năng như Biên phòng, Công an, Quân sự, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra và quản lý các đối tượng người dân ngoài địa phương đến làm ăn, sinh sống, sản xuất trong rừng phòng hộ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm các quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng, đảm bảo an ninh trật tự trong địa bàn.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ kịp thời các vụ việc vi phạm trong Rừng phòng hộ ngoài thẩm quyền xử lý của Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét xử phạt.
Phòng Tài nguyên - Môi trường tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xử lý các hành vi vi phạm Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Tài nguyên nước… trong ranh giới rừng phòng hộ.
5. Đề nghị các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng và đất rừng nhận khoán bảo vệ tích cực phát hiện, vận động thuyết phục những trường hợp vi phạm, đồng thời báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
6. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ nay đến hết năm 2009 và những năm tiếp theo.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là tài nguyên quý giá của thành phố và cả nước, có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của nhân dân thành phố, trong đó có huyện Cần Giờ; Vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; Cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |