Chỉ thị 03/2003/CT-TTg về xử lý các khoản nợ của ngân sách xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/2003/CT-TTg
Ngày ban hành 07/03/2003
Ngày có hiệu lực 18/04/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ CỦA NGÂN SÁCH XÃ

Trong những năm gần đây nhất là từ khi thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (năm 1997), công tác quản lý ngân sách xã đã được nâng lên, quy mô thu chi ngân sách xã hàng năm đều tăng, cơ cấu thu - chi đã có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác quản lý ngân sách xã từng bước được hoàn thiện, các hiện tượng buông lỏng quản lý, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính - ngân sách đã được chấn chỉnh một bước. Tuy nhiên, tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý còn xảy ra ở nhiều địa phương, tình trạng nợ của ngân sách xã còn lớn. Tình hình đó làm cho hoạt động tài chính - ngân sách của xã thiếu lành mạnh, giảm lòng tin của nhân dân.

Nguyên nhân của tình hình trên là do những đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác quản lý ngân sách xã chưa thực sự quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra đôn đốc thường xuyên. Việc quản lý và chi tiêu tùy tiện, hiện tượng bố trí vốn đầu tư tràn lan không cân đối với khả năng ngân sách còn phổ biến gây ra nợ chồng chất kéo dài.

Để chấm dứt tình trạng nợ nần, làm lành mạnh các hoạt động tài chính - ngân sách và tạo điều kiện chủ động về tài chính - ngân sách cho chính quyền cơ sở, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện ngay một số công việc sau đây:

1. Thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra các cấp chính quyền huyện và xã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân cấp và quản lý ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi năm 2002), các quy định (văn bản hướng dẫn) về quản lý ngân sách xã của Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong quản lý chi, phải bảo đảm thanh toán đủ, kịp thời các khoản sinh hoạt phí và phụ cấp của cán bộ xã. Việc quyết định đầu tư các công trình phải dựa trên nguồn vốn được phép đầu tư và phải được Hội đồng nhân dân xã quyết định, công khai cho dân bàn và kiểm tra. Ngân sách xã không được vay để đầu tư.

2. Chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra việc quản lý tài chính - ngân sách ở xã, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót trong công tác quản lý; đồng thời, xác định cụ thể tình hình nợ của ngân sách xã tại địa phương.

Trên cơ sở số nợ thực tế ở địa phương, chỉ đạo việc phân loại nợ để có biện pháp xử lý cho phù hợp và đúng quy định, cụ thể là:

a) Đối với nợ sinh hoạt phí của cán bộ xã, có biện pháp xử lý dứt điểm, không được để nợ kéo dài. Trường hợp:

- Nếu do thiếu nguồn thì ngân sách tỉnh và huyện cấp bổ sung.

- Nếu nguồn kinh phí đã được cân đối đủ, nhưng xã chi vào việc khác thì nhất thiết phải cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết của xã để bảo đảm có đủ nguồn thanh toán ngay cho các đối tượng mà ngân sách xã còn nợ.

b) Đối với nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ đạo việc phân loại nợ cụ thể và xây dựng đề án xử lý theo hướng:

- Nếu công trình có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, làm thất thoát vốn, tài sản thì phải lập Hội đồng thẩm định lại dự toán, quyết toán công trình và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi xử lý các vi phạm (nếu có) phải kiên quyết thu hồi theo đúng quy định để thanh toán nợ.

- Các khoản nợ chưa có nguồn thanh toán, phải có kế hoạch sắp xếp thanh toán theo hướng:

+ Đối với công trình đầu tư thuộc vốn ngân sách nhà nước bảo đảm, thì tỉnh, thành phố phải chủ động dành một phần trong nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách địa phương để xử lý.

+ Đối với công trình đầu tư từ nguồn huy động đóng góp của nhân dân thì được tiếp tục thực hiện biện pháp huy động để thanh toán nợ và công bố công khai cho dân biết để thống nhất chủ trương thực hiện.

+ Đối với công trình thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ có khả năng thu hồi vốn, để đẩy nhanh việc thu hồi vốn thì tỉnh, thành phố chỉ đạo xã có thể áp dụng cơ chế bán, khoán hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

+ Đối với các công trình thuộc các nguồn vốn khác, cần bảo đảm tính nhất quán trong việc đề ra các biện pháp xử lý phù hợp.

3. Trách nhiệm và thời hạn xử lý các khoản nợ của ngân sách xã:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo hoàn thành trong năm 2003 việc xử lý thanh toán nợ đối với các khoản nợ sinh hoạt phí tại địa phương. Trường hợp thực sự khó khăn, việc thanh toán khoản nợ này có thể kéo dài, nhưng phải được dứt điểm trước quý 2 năm 2004. Riêng nợ xây dựng cơ bản, căn cứ mức dư nợ cụ thể để có biện pháp xử lý thích hợp, tích cực nhất, nhưng thời gian xử lý dứt điểm tối đa là 3 năm. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm (kể cả nguồn vốn đầu tư được để lại) để sắp xếp trả nợ dần, bảo đảm thời gian xử lý nợ nhanh nhất.

b) Hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp tình hình và kết quả xử lý nợ báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ theo Chỉ thị này; đồng thời, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)