Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 24/01/2017 |
Ngày có hiệu lực | 24/01/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Văn Phương |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 01 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Công tác quản lý trật tự đô thị luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng tới xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, khang trang, trong nhiều năm qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới các khu đô thị, khu dân cư cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương trong công tác quản lý trật tự đô thị.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế do trong công tác quản lý và xây dựng nếp sống văn minh đô thị như tình trạng xây dựng trái phép (xây dựng vượt chỉ giới xây dựng, không có giấy phép xây dựng, xây dựng kiốt tại các trục đường chính đô thị, xây dựng công trình không đúng với chức năng sử dụng đất,...), ý thức của người dân trong việc thực hiện giữ gìn trật tự an toàn đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị chưa cao, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng đổ đất, chất thải rắn, vật liệu xây dựng, thiết bị thi công,... tràn lan tại các khu đất trung tâm, các tuyến đường đô thị; tình trạng chăn thả rong gia súc, gia cầm tại các khu đô thị, trên các tuyến đường giao thông gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường cảnh quan đô thị… Các hành vi vi phạm nói trên mặc dù đã được các địa phương phát hiện, kiểm tra và xử lý nhưng chưa dứt điểm, công tác quản lý trật tự đô thị chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, từng bước lập lại trật tự đô thị và xây dựng môi trường sống văn minh hiện đại cho đô thị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và UBND các huyện:
- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các quy định khác có liên quan về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng theo quy định. Tăng cường công tác quản lý về đầu tư xây dựng đảm bảo tuân thủ theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; trong đó, cần chú trọng việc tổ chức công bố công khai các đồ án quy hoạch, triển khai cắm mốc theo quy hoạch và phân công quản lý mốc giới theo quy định.
- Tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị; trong đó đặc biệt chú ý các trường hợp sau:
+ Các công trình xây dựng không phù hợp giấy phép xây dựng, không có giấy phép; xây dựng kiốt tại các trục đường chính đô thị, công trình xây dựng tạm nằm giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng, xây dựng công trình không đúng với chức năng sử dụng đất (như các công trình không đúng chức năng tại khuôn viên các trường đại học, siêu thị...).
+ Các công trình xây dựng lấn chiếm không gian chung, lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Công trình xây dựng không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy chuẩn xây dựng, vệ sinh môi trường, gây tiếng ồn...
+ Các trường hợp gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường như tình trạng một số đơn vị thi công đổ đất, chất thải rắn, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng,... tràn lan tại các khu đất trung tâm thành phố; tình trạng chăn thả rong gia súc, gia cầm tại các khu đô thị, trên các tuyến đường giao thông.
+ Các trường hợp phá hoại mốc giới quy hoạch, phá hoại hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu dân cư, các khu quy hoạch đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật...
Báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ hàng quý, năm về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng đô thị, trong đó chú ý đến các trường hợp đổ đất, vật liệu xây dựng,... tràn lan tại các khu đất trung tâm, các khu đất vắng; tình trạng một số đơn vị thi công không thực hiện việc thanh thải vật liệu xây dựng, thiết bị thi công, bê tông,... theo đúng quy định sau khi hoàn thành công trình; tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm trên các tuyến đường; thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp, tổ chức cắm mốc và quản lý mốc giới theo quy định.
- Quy định trách nhiệm và ban hành các biện pháp cụ thể đối với UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, xử lý, xử phạt kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
- Phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Tăng cường quản lý vệ sinh và cảnh quan môi trường; Có kế hoạch cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như chiếu sáng đường phố, công viên, vườn hoa,...
- Tăng cường, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai, quản lý trật tự đô thị; vận động người dân tự giác, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện giữ gìn trật tự an toàn đô thị, bảo vệ tài sản công, cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao nếp sống văn minh đô thị.
- Rà soát, tổng hợp các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị, các hành vi lấy cắp, phá hoại mốc giới quy hoạch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 30/3/2017 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và thực hiện các báo cáo kết quả thực hiện về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị khác theo định kỳ hàng quý, năm.
2. Các Sở, ngành:
a) Sở Xây dựng:
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng trên địa bàn theo đúng quy hoạch và các quy định có liên quan.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy chế quản lý trật tự đô thị, quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng (phối hợp với địa phương) tăng cường việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các công trình xây dựng không đảm bảo theo quy định.
- Rà soát các quy định có liên quan trong công tác quản lý trật tự đô thị hiện nay không còn phù hợp với thực tế để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung.
- Chủ trì phối hợp với UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện tổng hợp các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị, các hành vi lấy cắp, phá hoại mốc giới quy hoạch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ.
b) Sở Văn hóa và Thể thao: chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá và có văn bản hướng dẫn các địa phương quản lý nghiêm các hoạt động quảng cáo trên các tuyến đường, tuyến phố đảm bảo nề nếp và đúng quy định; chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương để xử lý kịp thời những trường hợp lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng trước ngày 30/3/2017 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ khác theo quý, năm.