Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác phòng, trừ sinh vật hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 04/01/2023 |
Ngày có hiệu lực | 04/01/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Lê Ngọc Tuấn |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 04 tháng 01 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, TRỪ SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Trong năm 2022 các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, trước tình hình sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được trồng tập trung mang tính hàng hóa đòi hỏi phải đầu tư thâm canh cao nên sinh vật hại cũng dễ phát sinh, phát triển, nhiều loại sâu bệnh hại mới xuất hiện. Mặt khác, biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết cực đoan, nền nhiệt độ ngày càng có xu hướng tăng cao, thiên tai thường xuyên xảy ra, bất thường và không theo quy luật, nguồn sinh vật gây hại có thể phát sinh, gây hại và lây lan trên diện rộng, có nguy cơ bùng phát thành dịch và rất khó kiểm soát. Để chủ động phòng, trừ sinh vật gây hại trên các loại cây trồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban ngành tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức triển khai công tác phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm diệt trừ cây Mai dương, bệnh khảm lá trên cây sắn, sâu bệnh trên cây dược liệu đặc biệt là cây Sâm Ngọc linh (nếu có) không để lây lan ra diện rộng.
- Tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phát hiện xử lý sớm, dứt điểm ngay từ ban đầu các đối tượng gây hại trên cây trồng; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phòng trừ, khống chế sinh vật gây hại trên cây trồng, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, kiên quyết không để sinh vật gây hại lây lan và phát triển thành dịch.
- Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chủ thực vật (tổ chức, cá nhân có sở hữu tài nguyên thực vật) nắm được quyền và nghĩa vụ của mình đã được quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người nông dân bằng các hình thức phù hợp về thời điểm phát sinh và các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể trên từng loại cây trồng ở từng thời điểm (trong đó lưu ý khuyến cáo giai đoạn phòng trừ hiệu quả nhất) để người nông dân biết, áp dụng.
- Tổ chức tập huấn, triển khai các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu ở địa phương theo Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(1). Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022-20302.
- Chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng có nguy cơ phát sinh trong thời gian đến(3); hướng dẫn người nông dân sử dụng giống cây trồng chống chịu sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức chống chịu, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.
- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng, chủng loại, đánh giá khả năng phát sinh sâu bệnh hại đối với các loại giống cây dược liệu, cây ăn quả, cây mắc ca, cây lâm nghiệp đang được địa phương sử dụng để trồng, chủ động triển khai các giải pháp phòng trừ, không để dịch hại phát sinh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp chỉ đạo, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầy đủ, kịp thời để phục vụ Nhân dân sản xuất.
- Bố trí nhân lực để thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.
- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về công tác chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Chủ động cân đối ngân sách địa phương (nguồn dự phòng, sự nghiệp kinh tế,…) và các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp để triển khai thực hiện phòng, chống dịch hại trên cây trồng theo đúng quy định pháp luật.
- Định kỳ hằng tuần (trong ngày thứ Ba) báo cáo tình hình sinh vật gây hại cây trồng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch hại trên cây trồng phát sinh, tái phát, diễn biến phức tạp, lây lan trên địa bàn và ra các địa phương khác.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ thông báo chính xác, kịp thời về tình hình sâu, bệnh hại, dự báo thời điểm phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật, phòng trừ hiệu quả để các địa phương, người nông dân biết, áp dụng.
- Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất và các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP(4), GloballGAP(5), kỹ thuật IPM(6), ICM(7) trong quá trình canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình sản xuất bền vững, an toàn dịch bệnh; mô hình IPM trên các loại cây trồng để người nông dân tham khảo, áp dụng và nhân rộng.
- Phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thiết lập, giám sát và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản.
- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm bệnh khảm lá, bệnh trên cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh đảm bảo không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người dân.
- Tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, mua bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông tin đến người dân những cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, uy tín; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch, hết dịch theo đúng quy định của pháp luật(8) (trong trường hợp đủ điều kiện).
- Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thời tiết, tình hình sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tuần (trước 11h00’ ngày thứ Tư) tổng hợp báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, không để dịch hại lây lan phát sinh trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Chỉ thị này phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo quy định pháp luật.
4. Sở Công Thương: Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan thông tấn, báo chí khác: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tình hình tác hại của sâu bệnh hại trên các loại cây trồng và các biện pháp phòng, phòng trừ.