Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 02/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 07/07/2014
Ngày có hiệu lực 15/07/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Lê Hùng Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2014/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 7 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 23/2004/CT-UB ngày 22 tháng 10 năm 2004 về việc tăng c­ường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động dịch vụ và dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Qua 10 năm triển khai thực hiện đã được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tiêu cực cần kịp thời chấn chỉnh như hoạt động mua, bán đĩa hình, đĩa nhạc trái phép; một số đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật quảng cáo không đúng nội dung chương trình biểu diễn; treo, dựng băng rôn, bảng quảng cáo, biển hiệu không đúng quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; kinh doanh karaoke không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện hoạt động, vi phạm về hợp đồng lao động đối với nhân viên phục vụ. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng chưa được thường xuyên, sâu rộng; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa thường xuyên, kiên quyết; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế.

Để kịp thời chấn chỉnh các hoạt động nêu trên và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng:

a) Việc cấp giấy phép hành nghề kinh doanh karaoke, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ phải đảm bảo theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh danh dịch vụ văn hóa công cộng.

b) Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải tuân thủ theo Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 103/2009/NĐ-CP.

c) Đối với hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật có chương trình, tiết mục vở diễn phải thực hiện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

d) Các sản phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ băng đĩa, ca nhạc, sân khấu phải có dán nhãn kiểm soát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghiêm cấm lưu hành, cho thuê, in sang trái phép băng đĩa ca nhạc, sân khấu không có dán nhãn kiểm soát, băng đĩa hải ngoại chưa được phép lưu hành hoặc cấm lưu hành.

đ) Các cơ sở dịch vụ tin học có internet phải quản lý tốt việc truy cập của khách hàng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các quy định của pháp luật trên lĩnh vực này.

e) Giải tỏa, buộc ngưng kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quán cà phê trá hình; không cấp phép kinh doanh dịch vụ cho các cơ sở không có mặt bằng để xe cho khách, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

g) Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa lợi dụng ngành nghề kinh doanh để núp bóng làm trái pháp luật, làm nơi chứa chấp, môi giới, tạo môi trường, điều kiện phát sinh tệ nạn xã hội. Nghiêm cấm việc sử dụng tiếp viên, nữ nhân viên, vũ nữ ở các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, karaoke, quán cà phê mặc trang phục khêu gợi để tiếp khách, ngồi chung với khách.

h) Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn, uống, giải khát, karaoke, nhà khách, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, nhà trọ, phòng trọ phải ban hành nội quy, quy chế của cơ sở; niêm yết công khai giá bán hàng và dịch vụ, hướng dẫn khách hàng thực hiện đúng nội quy; thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ phải đảm bảo có bao cao su trong các phòng nghỉ.

2. Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ:

a) Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện sử dụng lao động là tiếp viên, nhân viên, vũ nữ phải đủ 18 tuổi trở lên và thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

b) Đối với nhân viên phục vụ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt hợp đồng lao động phải hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

c) Trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện đầy đủ theo quy định về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; không được buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Công tác xử lý vi phạm:

a) Đối với các cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người đứng đầu cơ sở kinh doanh, người trực tiếp quản lý sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; riêng hành vi đối phó với lực lượng kiểm tra, chống người thi hành công vụ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể - xã hội, các xã, phường, thị trấn để xảy ra các tệ nạn xã hội hoặc cá nhân tham gia, có hành vi tiếp tay, bao che đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

c) Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng thuộc phạm vi quản lý của mình.

4. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố; đảm bảo các hoạt động lành mạnh theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan liên quan củng cố tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 814 thành phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ tin học có internet và in ấn; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh dịch vụ internet công cộng; hoạt động xuất bản, in, phát hành; hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

[...]