Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2017 về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc đảm bảo nâng cao và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu | 01/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/01/2017 |
Ngày có hiệu lực | 09/01/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Gia Lai |
Người ký | Võ Ngọc Thành |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Gia Lai, ngày 09 tháng 01 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRONG VIỆC ĐẢM BẢO NÂNG CAO VÀ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH
Triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; ngày 12/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4225/UBND-NC để triển khai đến Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể của từng cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của Sở Nội vụ thì đến nay tất cả các đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg. Tuy nhiên, qua theo dõi, đánh giá cho thấy việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm; nhiều nhiệm vụ UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng tiến độ, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước còn chậm chuyển biến, từ đó, làm ảnh hưởng hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp chưa quán triệt sâu sắc, chưa thực sự nêu gương và chưa quyết liệt trong việc nâng cao và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan đơn vị mình.
Để đảm bảo việc triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của các cơ quan, đơn vị, địa phương đi vào thực tiễn với các hiệu quả thiết thực; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg, cụ thể như sau:
1. Bên cạnh việc thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải thường xuyên chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời xem xét điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung, thay thế để hoàn thiện những quy định chưa và không còn phù hợp (liên quan đến cơ chế, thể chế kiểm tra, kiểm soát hoạt động của bộ máy từng cơ quan, đơn vị, địa phương) theo hướng ngày càng cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm các quyết định của cấp trên. Trong phân công nhiệm vụ và chỉ đạo, điều hành phải tuân thủ nguyên tắc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chung, đồng thời, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành (không phân công cho cấp Phó chịu trách nhiệm chính) đối với những nhiệm vụ mà theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương phải do chính người đứng đầu trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Từ đó, chấn chỉnh một cách triệt để tình trạng đổ trách nhiệm cho cấp Phó hoặc người dưới quyền khi không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; bố trí nhân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao; kiên quyết thực hiện tinh giản đối với công chức, viên chức năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ mang tính cấp bách, các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.
3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi giải quyết chậm trễ hồ sơ; có cơ chế theo dõi, tăng cường trách nhiệm, đạo đức và văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường thực hiện đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức để giải thích, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về trách nhiệm quản lý, giải quyết thủ tục hành chính. Lấy kết quả thực hiện cải cách hành chính là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp.
4. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động thực hiện công việc thuộc thẩm quyền, không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp xử lý các nội dung có liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương khác. Chủ động theo dõi, nắm bắt và đón đầu để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới của nhà nước; tránh tình trạng chờ UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ mới tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ và Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và chủ động theo dõi, điểm tin để kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí đối với các vấn đề xã hội, cử tri quan tâm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
5. Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác theo đúng quy định; thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
6. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg đã ban hành tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.
|
CHỦ TỊCH |