Chỉ thị 01/2015/CT-UBND thực hiện quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 01/2015/CT-UBND
Ngày ban hành 27/04/2015
Ngày có hiệu lực 07/05/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lại Xuân Lâm
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2015/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ CẤP BẢN SAO TỪ SỔ GỐC, CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH, CHỨNG THỰC CHỮ KÝ VÀ CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Ngày 16/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (sau đây viết tắt là Nghị định số 23); để nghiêm túc triển khai thực hiện quy định trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố.

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Nghị định số 23 và các văn bản hướng dẫn thi hành để mọi người hiểu và tự giác chấp hành; việc phổ biến, tuyên truyền phải lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng;

b) Trong quá trình giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, khi cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình bản chính của bản sao thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, ký xác nhận trên bản sao mà không được yêu cầu cá nhân, tổ chức phải nộp bản sao có chứng thực;

c) Cơ quan có thẩm quyền chứng thực phải sắp xếp lịch, bố trí nơi làm việc thuận tiện, không để xảy ra hiện tượng ùn tắc, quá tải về hoạt động chứng thực. Người có thẩm quyền chứng thực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, không gây phiền hà, sách nhiễu; phải thường xuyên nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết chính xác, kịp thời thuận tiện các yêu cầu về chứng thực của mọi tổ chức, công dân.

2. UBND các huyện, thành phố.

a) Chỉ đạo việc xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định số 23 và các văn bản hướng dẫn thi hành tại địa phương đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về chứng thực. Chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác chứng thực thuộc thẩm quyền.

b) Rà soát biên chế, năng lực cán bộ, công chức và các điều kiện về cơ sở vật chất của Phòng Tư pháp, UBND cấp xã trên địa bàn để bố trí nhân lực, trang thiết bị giải quyết kịp thời, đúng quy định các yêu cầu về chứng thực của tổ chức, công dân; việc sắp xếp cán bộ, công chức thực hiện công tác chứng thực phải đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện Kế hoạch của tỉnh về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch.

c) Chỉ đạo các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật việc chứng thực (nhất là hoạt động chứng thực các hợp đồng, giao dịch), đảm bảo khi thực hiện chứng thực, ngoài việc tuân thủ các quy định của Nghị định số 23 còn phải thực hiện pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở và các quy định của pháp luật có liên quan. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính về chứng thực thuộc thẩm quyền; danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được phê duyệt và các quy định về mức thu lệ phí trong hoạt động chứng thực; thông báo mẫu chữ ký của người có thẩm quyền chứng thực. Không đặt thêm yêu cầu về hồ sơ, điều kiện hay từ chối chứng thực trái quy định các yêu cầu về chứng thực của tổ chức, công dân. Định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện, thống kê số liệu về chứng thực trên địa bàn, báo cáo Sở Tư pháp;

d)Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong công tác chứng thực ở cơ sở, gắn với việc kiểm tra thực hiện chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch về công tác chứng thực.

3. Sở Tư pháp.

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chứng thực trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác chứng thực, tiếp nhận hồ sơ chứng thực để nắm bắt và áp dụng kịp thời, đúng quy định của pháp luật về chứng thực;

b) Rà soát các văn bản pháp luật do địa phương ban hành có nội dung liên quan đến công tác chứng thực để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản có nội dung không còn phù hợp. Tham mưu UBND tỉnh công bố văn bản quy phạm pháp luật về chứng thực hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thống kê, rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động chứng thực; phối hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố kịp thời các TTHC theo quy định. Định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện và thống kê số liệu về chứng thực trên địa bàn tỉnh;

d) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về chứng thực thuộc thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác chứng thực trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ.

a) Chủ trì, phối hợp với Sơ Tư pháp và UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đủ trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng để thực hiện công tác chứng thực; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức thực hiện công tác chứng thực ở cấp huyện, cấp xã theo phân cấp hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh quyết định thực hiện cơ chế một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp huyện trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Sở Tài chính.

a) Hướng dẫn các cơ quan, địa phương sử dụng và quyết toán kinh phí triển khai thực hiện Chỉ thị theo đúng quy định.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định về mức trần chi phí chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 23.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất đối với các trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đã được chứng thực.

7. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về chứng thực và pháp luật liên quan trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn, giải quyết. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chi thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 06/2007/CT-UBND ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Kon Tum về việc triển khai thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký./.

 

[...]