Báo cáo số 82/BC-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội do Chính phủ ban hành

Số hiệu 82/BC-CP
Ngày ban hành 29/05/2008
Ngày có hiệu lực 29/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/BC-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO TIẾP THU, GIẢI TRÌNH

VỀ VIỆC MỞ RỘNG ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

(do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII)

Ngày 13 tháng 5 năm 2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII, Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và Báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Ngày 14 tháng 5 năm 2008, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và ngày 19 tháng 5 năm 2008, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận về Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ.

Qua thảo luận tại tổ, tại hội trường và tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến, đại đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và đều khẳng định đây là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử, nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, với tầm nhìn đến năm 2030 - 2050 và trong tương lai xa hơn. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội do Chính phủ trình. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về cách làm, phạm vi, quy mô, Điều kiện và lộ trình triển khai thực hiện Đề án.

Chính phủ xin trân trọng tiếp thu những ý kiến rất trách nhiệm và xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo giải trình thêm về một số vấn đề đã được các vị đại biểu nêu lên.

1. Về quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội

Công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi trở về Thủ đô, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo công tác quy hoạch và xây dựng Thủ đô. Các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cũng đã dành nhiều tâm huyết và sự quan tâm đặc biệt cho công việc này. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Thủ đô, với tầm nhìn chiến lược lâu dài về phát triển Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã khẳng định vai trò và vị thế của Thủ đô Hà Nội: "Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thủ đô Hà Nội có vinh dự lớn, đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề". Nghị quyết chỉ rõ: "Trong 10 năm tới, gắn với chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố phải phát triển kinh tế - khoa học công nghệ - văn hoá - xã hội toàn diện, bền vững; bảo đảm xây dựng về cơ bản nền tảng vật chất - kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng".

Pháp lệnh Thủ đô số 29/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định: "Xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", đồng thời cũng khẳng định: "Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước".

Như vậy, có thể hiểu rằng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là Thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Điều đó cũng đòi hỏi Thủ đô Hà Nội cần được xây dựng và phát triển một cách toàn diện, xứng tầm là Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong tương lai với quy mô dân số ổn định sẽ đạt khoảng 120 triệu người; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân; và cũng phù hợp với mô hình Thủ đô của nhiều nước trên thế giới.

Sau khi có Nghị quyết 15 và Pháp lệnh Thủ đô, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua nhiều năm thực hiện Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, Hà Nội đã có nhiều lần xin Điều chỉnh cục bộ các khu chức năng, thực tế đó cho thấy Thủ đô Hà Nội đã và đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc và tình trạng quá tải, mất cân đối ngày càng lớn. Và trong quá trình xây dựng quy hoạch Thủ đô đã nhận thấy rõ sự ảnh hưởng lan tỏa của một đô thị lớn cũng như mối liên kết hữu cơ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh. Vì vậy, không thể tìm các giải pháp phát triển Thủ đô chỉ trong ranh giới quy hoạch của Hà Nội mà cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch Vùng Thủ đô rộng hơn nhằm giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong Vùng. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu lập Đồ án quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong gần 6 năm nghiên cứu Đồ án quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô với mô hình Hà Nội là đô thị hạt nhân liên kết phát triển với hệ thống đô thị của các địa phương trong Vùng; các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi qua hơn 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương trong Vùng và của nhiều nhà khoa học, các hội nghề nghiệp liên quan, các tổ chức quốc tế như WB, JICA, KOIKA, ADB cùng nhiều tổ chức quốc tế khác. Qua quá trình nghiên cứu quy hoạch xây dựng Hà Nội và quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã chỉ ra không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao làm cho mật độ dân số kể cả thường trú và dân số vãng lai đã khoảng 5.000 người/km2 và nếu tính riêng khu vực nội đô đã lên đến trên 11.600 người/km2 (1)

Rõ ràng việc mở rộng địa giới hành chính để Thủ đô Hà Nội phát triển với những ý tưởng trong quy hoạch phát triển Vùng, vừa bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, vừa tạo Điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cùng với nhận định trên, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (mã số KX09) về: “Quá trình đô thị hoá Thăng Long - Hà Nội, kinh nghiệm lịch sử và định hướng quy hoạch phát triển đô thị trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hoá đất nước" do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện cũng xác định: mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội là một quy luật trong quá trình đô thị hóa.         

Sau khi nghe Thành ủy Hà Nội và Chính phủ báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa VIII, ngày 02 tháng 11 năm 2005 Bộ Chính trị khóa IX đã kết luận: "Giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo trong năm 2006, cùng với việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch Vùng Thủ đô, sớm xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính cho Thủ đô Hà Nội... trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình các cơ quan nhà nước quyết định". Chính phủ đã nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận trên và giao cho các cơ quan tham mưu của Chính phủ tổ chức nghiên cứu việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Công việc nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được tiến hành trên cơ sở xác định hệ thống các yêu cầu và các tiêu chí, đưa ra nhiều phương án theo các hướng mở rộng khác nhau; tiến hành phân tích, so sánh, đánh giá và cho điểm để lựa chọn phương án tối ưu nhất. Có 5 phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được nghiên cứu đề xuất, bao quát mọi khả năng mở rộng có thể. Ban cán sự Đảng Chính phủ đã thận trọng cân nhắc trên nhiều mặt và lựa chọn 3 phương án có số điểm cao hơn báo cáo Bộ Chính trị xem xét trình Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, tháng 01 năm 2008, sau khi nghe Bộ Chính trị báo cáo về Tờ trình và Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, ra Nghị quyết, kết luận: "Đồng ý chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình vào Thủ đô Hà Nội. Giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tây, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy Hoà Bình chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo trình tự, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc Điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính để mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như trong phương án đề xuất, chỉ phải trình ra lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan. Hơn nữa, đây là công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm nên không thể đưa ra tham khảo ý kiến công khai rộng rãi khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện quy định của pháp luật và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như đã báo cáo với Quốc hội. Để bổ sung làm rõ thêm Tờ trình, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Đề án định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và có Báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trước Quốc hội nhằm cung cấp thêm thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội.

Từ năm 1961 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã qua ba lần Điều chỉnh địa giới hành chính, đó là các năm 1961 và 1978 Điều chỉnh mở rộng, năm 1991 Điều chỉnh thu hẹp; nhưng đây là lần đầu tiên việc nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được tiến hành trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô. Đây cũng chính là quá trình phân tích, đánh giá có tính tổng kết những ưu nhược điểm của các phương án mở rộng, thu hẹp trước đây, qua đó rút ra những kinh nghiệm và những đề xuất cần thiết cho việc xây dựng phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội lần này.

Như vậy, quá trình nghiên cứu chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy rằng trong Tờ trình của Chính phủ trình ra Quốc hội chưa nói được hết quá trình chuẩn bị, việc phân tích về sự cần thiết và quy mô mở rộng địa giới cũng chưa thật đầy đủ. Những sơ sót đó đã được các vị đại biểu Quốc hội phân tích góp ý một cách xác đáng. Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu và có Báo cáo bổ sung về quá trình nghiên cứu, sự cần thiết cũng như phân tích rõ hơn phương án lựa chọn mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và thay mặt Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nhận thiếu sót trước Quốc hội.

2. Về việc lựa chọn quy mô mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo phương án 1

Phương án 1 là phương án mở rộng được đề xuất để lựa chọn bao gồm thành phố Hà Nội hiện nay, mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) có diện tích tự nhiên 3.344,47 km2, dân số 6.232.940 người, có 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện.

Qua thảo luận tại tổ, tại hội trường và phiếu xin ý kiến, đa số ý kiến đại biểu đồng tình với phương án 1. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của đại biểu  băn khoăn cho rằng phương án 1 có quy mô diện tích và dân số quá lớn. Có ý kiến đại biểu đề nghị chọn phương án 2, cũng có ý kiến đề nghị chọn phương án 4. Về những căn cứ đề xuất và lựa chọn phương án, Chính phủ xin giải trình thêm như sau:

Trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và đặc biệt trong Điều 3 của Pháp lệnh Thủ đô đã chỉ rõ 6 mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô là: "1) Xây dựng, phát triển Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; 2) Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; 3) Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; 4) Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; 5) Phát triển kinh tế Thủ đô với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; 6) Tập trung làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hoá - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội".

Trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đề ra 6 yêu cầu và 9 tiêu chí tổng hợp để làm cơ sở xây dựng và lựa chọn các phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Có 5 phương án được các chuyên gia đề xuất mở rộng Thủ đô Hà Nội về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính của các tỉnh xung quanh Hà Nội. Theo hệ thống yêu cầu và tiêu chí đã nêu, phương án 1 đã được lựa chọn với số điểm cao nhất, vì phương án này có những ưu điểm nổi bật như sau:

Với phương án 1, Thủ đô Hà Nội mở rộng mới có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng Thủ đô của cả nước với một không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử, cổ kính, không chỉ trong thời gian 20 - 30 năm mà còn cả trong tương lai xa, nơi có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp; quỹ đất để phát triển đô thị có nền địa chất thuận lợi cho việc xây dựng các công trình lớn và không ảnh hưởng nhiều đến đất nông nghiệp vì chủ yếu là đất gò, đồi chưa có nhiều công trình xây dựng; phương án này cũng có Điều kiện thuận lợi để xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh cho Thủ đô Hà Nội và còn có ưu điểm là không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác; hơn nữa, tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc là những địa phương tiếp giáp có nhiều mối quan hệ gắn bó lâu đời với Hà Nội và trong lịch sử đã có thời kỳ huyện Mê Linh và phần lớn địa phận của Hà Tây  thuộc về Hà Nội.

Với phương án này, khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, đạt mật độ từ 3.500 đến 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở Thủ đô của một số nước phát triển hiện nay như Pa ri (Pháp) 3.500 người/km2, Luân Đôn (Anh) 5.100 người/km2, Beclin (Đức) 3.740 người/km2, Mát-xcơ-va (Nga) 3.629 người/km2, Tokyo (Nhật Bản) 4.400 người/km2, Bắc Kinh (Trung Quốc) 4.000 người/km2, Kuala Lumpur (Malaysia) 3.120 người/km2. Hiện nay trên thế giới có 17 thành phố và thủ đô có diện tích trên 3.000km2 (2).

Như vậy, Thủ đô Hà Nội của chúng ta khi được mở rộng cũng không phải là thành phố quá lớn.        

[...]