Báo cáo 522/BC-UBTCNS13 thẩm tra mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Tài chính - Ngân sách ban hành
Số hiệu | 522/BC-UBTCNS13 |
Ngày ban hành | 03/05/2012 |
Ngày có hiệu lực | 03/05/2012 |
Loại văn bản | Báo cáo |
Cơ quan ban hành | Ủy ban Tài chính - Ngân sách |
Người ký | Phùng Quốc Hiển |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
QUỐC
HỘI KHÓA XIII |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 522/BC-UBTCNS13 |
Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2012 |
BÁO CÁO THẨM TRA
VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ NGUỒN LỰC CỤ THỂ CỦA CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC TỪNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2011-2015.
Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và văn bản số 116/UBTVQH13 ngày 27 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình MTQG giai đoạn 2011 – 2015, trong đó giao Chính phủ rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình MTQG trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.
Ngày 26/4/2012, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) đã tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra về nội dung trên. Tham dự phiên họp có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan hữu quan. Trên cơ sở Báo cáo số 2789/BKHĐT-TCTT ngày 24/4/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến các đại biểu dự họp và ý kiến của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) xin báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội một số vấn đề cụ thể như sau:
I. Về vấn đề chung
Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban TCNS nhận thấy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra soát và các Bộ quản lý Chương trình MTQG đã xác định nguồn lực, mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án thành phần trong giai đoạn 2011-2012.
Tuy nhiên, còn nhiều mục tiêu của các Chương trình chưa rõ ràng, chưa lượng hóa được các mục tiêu đề ra; một số Chương trình có nội dung đa mục tiêu; nhiều dự án thành phần ở một số Chương trình còn chưa có sự liên kết với mục tiêu chung, thiếu gắn kết với nhau; nguồn lực bố trí còn dàn trải; nhiều khoản chi sự nghiệp còn chồng chéo chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương.
Có ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ định hướng về lồng ghép nội dung, tinh gọn đầu mối quản lý, điều hành như yêu cầu của Quốc hội.
II. Một số vấn đề cụ thể
1. Về mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục các dự án thành phần của các Chương trình MTQG
Về cơ bản, Ủy ban TCNS nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục các dự án thành phần của từng Chương trình MTQG tại Báo cáo 2789/BKHĐT-TCTT của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tuy nhiên, đề nghị cần xem xét, loại bỏ một số dự án thành phần, một số nội dung cụ thể của dự án thành phần chưa thật sự cần thiết và điều chỉnh mục tiêu của một số dự án thành phần cho phù hợp, cụ thể như sau:
(1) Các dự án thành phần đề nghị cân nhắc loại bỏ:
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNSN đề nghị cân nhắc đối với dự án thành phần về “Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá và thực hiện chương trình” của 13 Chương trình MTQG1, vì phần lớn nội dung này phục vụ cho việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền thông tin, đánh giá chương trình là nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương; mặt khác các nội dụng này cũng đã được triển khai rất nhiều năm trong giai đoạn 2006 – 2010, nên việc tiếp tục thực hiện là không hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục và đánh giá thực hiện chương trình là cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả của các Chương trình MTQG. Do vậy, đề nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thành phần này.
(2) Một số nội dung thuộc một số dự án thành phần đề nghị loại bỏ:
+ Chương trình MTQG Dân số và Kế hoạch hóa gia đình
Dự án 2: nội dung về “tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng đặc thù”, Ủy ban TCNS cho rằng, đây là nhiệm vụ thường xuyên của ngành y tế các cấp, nhất là y tế cấp xã, không nên đưa vào thực hiện trong Chương trình MTQG; mặt khác, hiện nay đã có các chính sách về chăm sóc, bảo vệ và khám chữa bệnh cho người cao tuổi đã và đang được triển khai thực hiện.
+ Chương trình MTQG Vệ sinh an toàn thực phẩm
Dự án 5: nội dung về “Hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật…”. Trên cơ sở Luật vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật đã ban hành, Ủy ban TCNS cho rằng đây là công việc thường xuyên của các Bộ chuyên ngành và đề nghị không đưa dự án này vào thực hiện trong Chương trình MTQG và giao nhiệm vụ này cho Bộ chuyên ngành thực hiện.
Dự án 6: nội dung về “Tăng cường nguồn lực cho toàn lực lượng quản lý thị trường và nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành về kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các kiểm soát viên thị trường ở trung ương và địa phương”, Ủy ban TCNS cho rằng, việc tăng cường nguồn lực và nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành về kiểm tra, kiểm soát là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ chuyên ngành; trường hợp kinh phí hàng năm không đủ để thực hiện, cần xây dựng dự toán ngân sách hàng năm bố trí đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này.
(3) Đề nghị cần xem xét, điều chỉnh lại một số mục tiêu của dự án thành phần chưa thực sự phù hợp; điều chỉnh lồng ghép một số nội dung của một số dự án thành phần:
+ Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:
Nội dung về “nhà tiêu hợp vệ sinh trường học…; nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình; nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế” thuộc dự án 1 và dự án 2 đề nghị đưa chung vào một dự án thành phần, không nên để rải rác trong hai dự án thành phần khác nhau.
+ Chương trình MTQG về Văn hóa
Đối với các nội dụng về “Xây dựng chương trình về di sản văn hóa phi vật thể cho các cấp học” thuộc dự án 2 và nội dung về “Xây dựng, biên soạn giáo trình, các vấn đề về các loại hình nghệ thuật truyền thống cho hệ thống trường học trên cả nước” thuộc dự án 5, đề nghị Bộ quản lý chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lồng ghép hai dự án này, xây dựng chương trình, phù hợp với từng bậc học, cấp học, không để phát sinh quá nhiều chương trình cho các cấp học, tạo gánh nặng cho học sinh phổ thông.
+ Đối với Chương trình MTQG về Phòng chống ma túy
Dự án 4 về “Xây dựng xã phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”, Ủy ban TCNS cho rằng, đây là mục tiêu rất lớn, là mong muốn của toàn xã hội, tuy nhiên, đề nghị Bộ quản lý chương trình cần cân nhắc, xem xét lại mục tiêu, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn một số địa bàn nóng về tệ nạn ma túy để giải quyết dứt điểm và có lộ trình thực hiện đấu tranh với tệ nạn này, bảo đảm hoàn thành được mục tiêu và giải quyết được các điểm nóng về ma túy.
+ Đối với chương trình nông thôn mới: đề nghị làm rõ về các thành phần; tính lồng ghép với các Chương trình MTQG khác có nội dung bao trùm các mục tiêu của Chương trình.