Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Báo cáo 367/BC-BNN-KTHT kết quả khảo sát thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 367/BC-BNN-KTHT
Ngày ban hành 14/02/2011
Ngày có hiệu lực 14/02/2011
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hồ Xuân Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 367/BC-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ KHẢO SÁT VỀ THỰC HIỆN DI DÂN VÀ HẬU DI DÂN CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN TAM HIỆP, TRUNG QUỐC

Kính gửi:

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La.

 

Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 7309/VPCP-KTN ngày 13/10/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất bền vững sau tái định cư tại Dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc và nhận lời mời của Văn phòng Ủy ban xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp Quốc vụ viện Trung Quốc;

Đoàn công tác gồm: đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng làm trưởng đoàn đi khảo sát, học tập kinh nghiệm thực hiện hậu di dân, tái định cư tại Dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc từ ngày 03/01/2011 đến ngày 09/01/2011; Đoàn đã làm việc với Ủy ban Quốc vụ viện Tam Hiệp, Lãnh đạo chính quyền, Cục di dân thành phố Nghi Xương, chính quyền thị trấn Tam Lầu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, Lãnh đạo khu Hợp Xuyên và Sở Ngoại vụ thành phố Trùng Khánh, Đoàn đã tiếp xúc, phỏng vấn một số hộ tái định cư đô thị tại thị trấn Tam Lầu Bình thuộc thành phố Nghi Xương và một số hộ tái định cư nông nghiệp tại thôn Tiến Thất - khu Hợp Xuyên - thành phố Trùng Khánh;

Qua quá trình làm việc với các cơ quan và tiếp xúc với các hộ tái định cư trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả khảo sát, học tập kinh nghiệm của Đoàn về kết quả thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc, với nội dung chủ yếu sau:

I. Khái quát về công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc

Công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc là công trình trọng điểm Quốc gia, có quy mô lớn nhất thế giới và đa mục tiêu. Ngoài ý nghĩa phòng lụt, phát điện và vận chuyển hàng hóa đường thủy, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; công trình Tam Hiệp còn có ý nghĩa tạo vành đai phát triển kinh tế dọc theo sông Trường Giang góp phần phát triển hiện đại hóa Trung Quốc và có ý nghĩa chiến lược nâng cao sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc, được Trung Quốc đánh giá đây là công trình: “Công tại đương đại. Lợi tại thiên thu”;

Ý tưởng xây dựng công trình Tam Hiệp có từ năm 1919 do Tiến sĩ Tôn Dật Tiên nhà cách mạng dân chủ của Trung Quốc khởi xướng; mặc dù qua một thời gian dài có nhiều sự thay đổi về chế độ nhưng việc chuẩn bị xây dựng công trình vẫn được triển khai. Tháng 3 năm 1949, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã xác định ngay nhiệm vụ xây dựng công trình Tam Hiệp; tháng 3 năm 1958, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định 3 phương châm đối với công trình Tam Hiệp, đó là:

- Vừa tích cực vừa thận trọng;

- Không được làm ngập thành phố Trùng Khánh;

- Mức dâng nước hồ chứa không được quá 200m, đồng thời phải nghiên cứu phương án thấp hơn.

Để chuẩn bị tập dượt xây dựng công trình Tam Hiệp, vào thập kỷ 70 Chính phủ Trung Quốc đã cho xây dựng Nhà máy thủy điện Cát Châu Bá tại thành phố Nghi Xương với công suất 2.715MW nằm ở hạ lưu đập Tam Hiệp 40 km. Năm 1983 Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua kế hoạch xây dựng đập Tam Hiệp. Năm 1992 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc họp tại Bắc Kinh đã thông qua và giao cho Quốc vụ viện thực hiện với 3 mục tiêu cơ bản là:

- Chống lũ cho trung du và hạ du sông Trường Giang;

- Cung cấp nguồn điện;

- Cải thiện điều kiện giao thông đường thủy dài 660km từ Nghi Xương đến Trùng Khánh.

Vào năm 1994, sau 75 năm kể từ khi đề xuất Dự án, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng công trình Tam Hiệp; đến năm 2010 đã hoàn thành lắp đặt 26 tổ máy nổi với công suất lắp máy là 18.200 MW, hàng năm sản xuất được 84,7 tỷ kwh; cộng với 6 tổ máy đang được lắp đặt ngầm dưới đất (dự kiến hoàn thành trong năm 2012) sẽ nâng tổng công suất lắp máy lên 22.400 MW; dung tích hồ chứa 39,3 tỷ m3 nước, di dời toàn bộ 21 thành phố, huyện trong tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, với 1,13 triệu người và 1.630 nhà máy.

II. Về thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp

1. Vị trí, nguyên tắc thực hiện di dân tái định cư

Công tác di dân tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp được xác định ngang tầm với việc xây dựng nhà máy; Đảng, Quốc vụ viện Trung Quốc xác định: “Sự thành công hay thất bại của công trình thủy điện Tam Hiệp điều chủ chốt là vấn đề di dân. Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm liên quan đến toàn bộ các vấn đề xã hội, đến tập quán, tâm lý, tâm linh của từng người dân. Nếu tổ chức di dân không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng nhà máy thủy điện Tam Hiệp”. Vì vậy, Đảng, Quốc vụ viện, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Luật di dân công trình thủy điện Tam Hiệp từ năm 1993; đến ngày 21/02/2001 Luật trên đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành gồm 64 Điều, theo những nguyên tắc nhất quán là:

- Dân đến nơi ở mới phải sớm ổn định đời sống, có mức sống bằng và hơn nơi ở cũ;

- Bảo đảm tính bền vững và phát triển (khai thác tiềm năng về lao động và tài nguyên vùng dân đến);

- Trong thực hiện di dân bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai (công khai cả nơi dân phải di dời, cả nơi dân đến tái định cư và mức đền bù để mọi người dân được biết).

2. Giải pháp thực hiện di dân

Để thực hiện những nguyên tắc nhất quán trên, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra 5 giải pháp chính về di dân tái định cư:

- Một là Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và quan tâm lãnh đạo đảm bảo những yếu tố cơ bản để tiến hành thuận lợi trong công tác xây dựng Tam Hiệp. Chính phủ đã ban hành các chính sách phù hợp, tổ chức bộ máy làm công tác di dân tái định cư đủ năng lực từ Trung ương đến cơ sở;

- Hai là kiên trì phương châm di dân là phát triển, luôn điều chỉnh các chính sách thích hợp. Không ngừng tìm kiếm khai thác các lối thoát cho bố trí di dân. Tạo điều kiện cho người dân yên tâm lâu dài ở nơi định cư mới. Phương châm bố trí di dân theo quan điểm lấy dân làm gốc. Đảm bảo đủ đất canh tác, không ngừng cải thiện các điều kiện cho nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng của đất. Kiên trì lợi dụng các ưu thế của nguồn vốn và phát huy các sản phẩm đặc sản của địa phương. Nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thích ứng của nền kinh tế thị trường. Nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện các thành phố vùng lòng hồ, đồng thời phát huy tác dụng của cơ cấu thị trường, thu hút nguồn vốn xã hội, phát triển mức thích hợp. Đối với các xí nghiệp phải di dời thì thực hiện không di dời nguyên mẫu mà phải cải thiện và nâng cao, đảm bảo an toàn về môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến phát triển kinh tế khu vực;

[...]