Báo cáo 245 BC/UBTVQH12 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 245BC/UBTVQH12
Ngày ban hành 17/06/2009
Ngày có hiệu lực 17/06/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Tòng Thị Phóng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 245 BC/UBTVQH12

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2009

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

Tại buổi thảo luận Tổ chiều 22 tháng 5 và thảo luận ở Hội trường sáng 28 tháng 5 năm 2009, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

Đa số các vị đại biểu cơ bản tán thành về nội dung sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo Luật , đồng thời đã góp nhiều ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể.

Sau phiên họp sáng 28/5/2009 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh như sau:

1. Một số điều liên quan đến cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

1.1 Về liên doanh, liên kết trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim

- Có ý kiến cho rằng, về quy định mức vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định của liên doanh, tỷ lệ 51% về bản chất là không khác với tỷ lệ 90%; có ý kiến băn khoăn về việc các doanh nghiệp liên doanh có tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trên 51% đã được thành lập theo Luật hiện hành thì xử lý ra sao?

UBTVQH giải trình như sau: mức vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định của liên doanh là tỷ lệ chúng ta đã cam kết khi gia nhập WTO và đã được Quốc hội khóa XI phê chuẩn tại Nghị quyết số 71/2006/QH11. Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền của đại hội cổ đông, thì những cổ đông có tỷ lệ vốn góp 65%, 75% và 100% có quyền hạn khác nhau. Vì vậy, UBTV xin giữ quy định tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài là không quá 51% vốn pháp định như trong Dự thảo Luật.

Sau khi Luật này có hiệu lực, theo quy định tại Điều 170 Luật Doanh nghiệp, những doanh nghiệp liên doanh có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài trên 51% đã thành lập từ trước vẫn được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư .

- Có ý kiến băn khoăn về cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” trong Điều 23 Luật Điện ảnh có trùng với khái niệm “dịch vụ sản xuất phim” trong Biểu cam kết của Việt Nam gia nhập WTO không?

UBTVQH giải trình như sau: cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” trong Biểu cam kết của Việt Nam gia nhập WTO là ngành dịch vụ sản xuất phim, còn cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” tại Điều 23 trong Luật Điện ảnh hiện hành được hiểu là dịch vụ cung cấp các phương tiện, thiết bị …để sản xuất từng bộ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do vậy nội dung hai khái niệm này là khác nhau.

1.2 Về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim

- Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim phải cư trú tại Việt Nam, có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam.

UBTVQH nhận thấy, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nội dung phim trước khi phổ biến. Trong Luật Điện ảnh hiện hành đã qui định cụ thể về điều kiện được cấp phép phổ biến phim sản xuất trong nước và phim nhập khẩu. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh kiểm soát nội dung trước khi phim được đưa ra phổ biến, không phân biệt đó là phim do doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài sản xuất. Những quy định về điều kiện cư trú tại Việt Nam, có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam đối với giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim là người nước ngoài thực tế ít tác dụng. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng không quy định những điều kiện này. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

1.3 Về điều kiện nhập khẩu phim

- Nhiều ý kiến đề nghị bỏ điều kiện có rạp đối với doanh nghiệp điện ảnh khi nhập khẩu phim; ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng điều kiện “có rạp” là rào cản kỹ thuật để hạn chế việc nhập khẩu phim.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, tại Tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 189/TTr-CP ngày 12/12/2008, Chính phủ đề nghị sửa đổi điều kiện nhập khẩu phim như sau: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo qui định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”.

Tiếp thu ý kiến tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rút đề xuất nêu trên, không đề nghị sửa đổi nội dung này trong Tờ trình Quốc hội số 62/TTr-CP ngày 05/5/2009.

2. Về sản xuất phim đặt hàng, sử dụng ngân sách nhà nước

- Nhiều ý kiến đại biểu tán thành rằng áp dụng phương thức đấu thầu sản xuất phim thì phải theo quy định của Luật Đấu thầu, nhưng cần lưu ý đến tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất phim để vận dụng sao cho phù hợp; có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc này.

UBTVQH nhận thấy đấu thầu trong sản xuất phim có tính đặc thù riêng. Việc đấu thầu sản xuất phim không chỉ căn cứ vào giá thành mà còn phụ thuộc vào phương án sản xuất, năng lực của đạo diễn, quay phim, diễn viên cũng như các thành phần sáng tác khác. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị sửa Khoản 3 Điều 24 như sau:

“3. Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế-xã hội.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản này.”

3. Về vấn đề quản lý phim phát sóng trên truyền hình

- Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin -Truyền thông và các đài truyền hình trong việc quản lý nội dung phim phát sóng trên truyền hình.

[...]