Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có vi phạm pháp luật không? Khi quảng cáo thực phẩm chức năng cần khuyến cáo các điều gì?

Quảng cáo thực phẩm chức năng có vi phạm pháp luật không? Khi quảng cáo thực phẩm chức năng cần khuyến cáo điều gì?

Nội dung chính

    Quảng cáo thực phẩm chức năng có vi phạm pháp luật không?

    Tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo như sau:

    1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
    2. Thuốc lá.
    3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
    4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
    5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
    6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
    7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
    8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

    Như vậy, theo những quy định trên thực phẩm chức năng không thuộc những sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo. Việc bạn chạy quảng cáo thực phẩm chức năng cho Công ty kinh doanh thực phẩm chức năng G là không vi phạm pháp luật.

    Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có vi phạm pháp luật không? Khi quảng cáo thực phẩm chức năng cần khuyến cáo các điều gì?(Hình từ Internet)

    Khi quảng cáo thực phẩm chức năng cần khuyến cáo điều gì?

    Theo Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

    1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
    2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:
    a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
    b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
    3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
    a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
    b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
    4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
    5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

    Do đó, theo quy định trên khi bạn quảng cáo thực phẩm chức năng thì bạn cần lưu ý phải khuyến cáo trên sản phẩm câu: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

    Quảng cáo thực phẩm chức năng mà không khuyến cáo theo quy định của luật bị xử phạt như thế nào?

    Tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

    1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
    b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng theo một trong các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
    c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
    3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

    Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 6; các điểm c, đ, e và g khoản 4 Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; Điều 10; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

    Do đó, nếu bạn quảng cáo thực phẩm chức năng mà bạn không khuyến cáo đúng với quy định của pháp luật bạn sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    50
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ