Quy định về quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Quy định về quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay được quy định như thế nào?
Theo Điều 121 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình phải được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân.
Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo nghị quyết; tự mình hoặc cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức khảo sát về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo nghị quyết. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm định dự thảo nghị quyết.
Đối với dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 132 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:
Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức xem xét, thông qua dự thảo quyết định. Trong trường hợp dự thảo quyết định được xem xét, thông qua tại phiên họp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì theo trình tự sau đây:
- Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết trình dự thảo quyết định;
- Đại diện Sở Tư pháp phát biểu về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định;
- Đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình bày ý kiến;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định
Hoạt động thẩm định là một giai đoạn không thể thiếu trong quá trình ban hành VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh. Nếu các Sở Tư pháp không phát hiện ra những nội dung trái pháp luật này thì hệ thống VBQPPL của HĐND, UBND các tỉnh sẽ đi ngược lại với hệ thống VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Với tư cách là cơ quan tham mưu, các Sở Tư pháp có trách nhiệm đưa ra những đánh giá cơ bản và trung thực nhất, giúp cơ quan soạn thảo biết được nội dung nào đúng, nội dung nào sai để kịp thời chỉnh sửa trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Chỉ có thông qua công tác thẩm định thì mới có thể đánh giá được những mặt được và chưa được của dự thảo văn bản. Nếu Sở Tư pháp không thực hiện tốt công tác thẩm định, bỏ lọt văn bản trái thẩm quyền, văn bản có nội dung trái pháp luật hoặc văn bản không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tế, không bảo đảm về hình thức văn bản sẽ làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của tổ chức và công dân đối với tính nghiêm túc của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ thẩm định VBQPPL, Sở Tư pháp phải xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức, kỹ thuật soạn thảo đối với dự thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục do luật định. Đây là khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, được vận hành bắt đầu khi Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ theo quy định từ cơ quan soạn thảo dự thảo VBQPPL cho đến khi Sở Tư pháp hoàn thành và ban hành báo cáo thẩm định.
Như vậy, dự thảo văn bản phải gửi qua Sở Tư pháp.