Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Đất RSX là gì và thuộc loại hình nào? Hạn mức giao đất rừng sản xuất quy định thế nào?

Đất RSX là viết tắt của gì và thuộc loại hình đất gì? Quyền sở hữu đất rừng sản xuất thuộc về đối tượng nào? Diện tích đất rừng sản xuất được giao cho cá nhân là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Đất rừng sản xuất (đất RSX) là gì? Thuộc loại hình đất nào?

    Theo phần III Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về Bản đồ địa chính:

    Đất RXS là ký hiệu của đất rừng sản xuất.

    Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    Điều 5. Phân loại rừng
    ...
    4. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
    ...

    Như vậy, đất rừng sản xuất (đất RSX) được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    Ngoài ra, khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 9. Phân loại đất
    ...
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    ...

    Theo đó, đất RSX thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Đất RSX là gì và thuộc loại hình nào? Hạn mức giao đất rừng sản xuất quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Ai có quyền sở hữu đất rừng sản xuất?

    Căn cứ Điều 7 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    Điều 7. Sở hữu rừng
    1. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:
    a) Rừng tự nhiên;
    b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ;
    c) Rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.
    2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:
    a) Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;
    b) Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, rừng sản xuất là rừng trồng thuộc quyền sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư, bao gồm:

    -Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;

    -Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

    Hạn mức giao đất rừng sản xuất quy định thế nào?

    Căn cứ khoản 3 và 4 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 176. Hạn mức giao đất nông nghiệp
    ...
    3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
    a) Đất rừng phòng hộ;
    b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
    4. Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha; trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha.
    ...

    Như vậy, hạn mức giao đất RSX là rừng trồng cho cá nhân không quá 30 ha.

    Ngoài ra, trong trường hợp cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất là không quá 25ha.

    Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích khác là gì?

    Theo khoản 1 Điều 122 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 122. Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
    1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đáp ứng các căn cứ quy định tại Điều 116 của Luật này, trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
    Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
    ...

    Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích khác khi:

    -Có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

    -Đáp ứng các căn cứ quy định tại Điều 116 của Luật này.

    Trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí;

    -Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

    -Phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.

     

    12