BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
6568/VBHN-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 8 năm 2024
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ ĐĂNG KÝ
DOANH NGHIỆP
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm
2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 4 năm
2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2023.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm
2019;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng
10 năm 2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành
lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao
động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của
doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng
01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký
kinh doanh[1];
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông
tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này ban hành biểu mẫu sử dụng trong
đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và hướng dẫn chi tiết một số vấn đề
liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh. Các biểu mẫu ban
hành kèm theo Thông tư này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
2. Thông tư này áp dụng cho các đối tượng quy định
tại Điều 2 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ
về đăng ký doanh nghiệp.
Điều 1a. Giải thích từ ngữ[2]
1. Đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Thông tư này
là việc hộ kinh doanh đăng ký nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế
với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở. Đăng ký
hộ kinh doanh bao gồm đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội
dung đăng ký hộ kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy
định.
2. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh quy định
tại Thông tư này là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký
kinh doanh cấp huyện cấp cho hộ kinh doanh ghi lại những thông tin về đăng ký
kinh doanh và đăng ký thuế do hộ kinh doanh đăng ký. Giấy chứng nhận đăng ký hộ
kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh.
3. Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh là
một cấu phần của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và vận hành để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị
hoặc thực hiện các nghiệp vụ khác đối với dữ liệu hộ kinh doanh để phục vụ công
tác đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 2. Chuyển đổi dữ liệu về đăng ký doanh
nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký đầu tư
chịu trách nhiệm chuyển đổi thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chi
nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp từ hồ sơ, dữ liệu
lưu trữ tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thông tin được bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải
trùng khớp so với thông tin gốc tại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp.
Điều 3. Số hóa và lưu trữ hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
1. Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm số hóa, đặt
tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp đối với hồ sơ được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh và lưu trữ
đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp đăng ký doanh
nghiệp.
2. Đối với những hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa
được số hóa trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Phòng Đăng ký kinh
doanh chịu trách nhiệm số hóa, đặt tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại
giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và lưu trữ đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh
doanh chịu trách nhiệm về chất lượng số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Điều 4. Chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp
trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
1. Trên cơ sở thông tin đăng ký doanh nghiệp lưu
giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương
quản lý, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo về việc rà soát thông tin đăng
ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đến doanh nghiệp, yêu cầu doanh
nghiệp đối chiếu, bổ sung, cập nhật thông tin và phản hồi tới Phòng Đăng ký
kinh doanh trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông
báo. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin
phản hồi tới Phòng Đăng ký kinh doanh.
2. Phòng Đăng ký kinh doanh chủ trì, phối hợp với
cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác xây dựng kế hoạch triển khai và kế
hoạch ngân sách hàng năm phục vụ công tác chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh
nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với doanh
nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý.
Điều 5. Cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có thể đề nghị để được cung cấp
thông tin quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp tại Bộ Kế hoạch và Đầu
tư (Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh
doanh) hoặc tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc
thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải trả phí theo
quy định.
Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh có
thẩm quyền cung cấp thông tin của tất cả các doanh nghiệp lưu giữ trên Hệ thống
thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh có thẩm quyền
cung cấp thông tin về doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng
ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý.
2. Mức phí cung cấp thông tin thực hiện theo quy
định của pháp luật.
Điều 5a. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hộ kinh
doanh trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh[3]
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận
và nhập thông tin hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh vào hệ thống thông tin về đăng ký
hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ
đăng ký hộ kinh doanh được tiếp nhận vào hệ thống khi đáp ứng các điều kiện sau
đây:
a) Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định số
01/2021/NĐ-CP;
b) Thông tin của hộ kinh doanh đã được kê khai đầy
đủ vào các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh;
c) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký
hộ kinh doanh;
d) Đã nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhập đầy đủ,
chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, số hóa, đặt tên văn bản
điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng
bản giấy và tải lên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
3. Các thông tin đăng ký hộ kinh doanh trên hệ
thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh được truyền sang Hệ thống ứng dụng
đăng ký thuế để phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh
cấp huyện và cơ quan thuế.
Điều 5b. Mã số hộ kinh doanh[4]
1. Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi
Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ
kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh
doanh được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số này đồng thời
là mã số thuế của hộ kinh doanh.
2. Việc tạo mã số hộ kinh doanh được thực hiện theo
quy trình sau:
a) Khi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đủ điều kiện để được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hệ thống thông tin về đăng ký hộ
kinh doanh truyền thông tin đăng ký thành lập hộ kinh doanh sang Hệ thống ứng
dụng đăng ký thuế;
b) Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế nhận thông tin
đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh
truyền sang và tự động kiểm tra sự phù hợp của thông tin theo quy định của pháp
luật về đăng ký thuế.
Trường hợp thông tin phù hợp theo quy định của pháp
luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động tạo mã số hộ kinh doanh
và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với hộ kinh doanh; đồng thời truyền
các thông tin này sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp thông tin không phù hợp theo quy định
của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động phản hồi
về việc thông tin không phù hợp và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ
kinh doanh;
c) Trên cơ sở thông tin do Hệ thống ứng dụng đăng
ký thuế cung cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng
ký hộ kinh doanh và Thông báo về cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho người thành
lập hộ kinh doanh; trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp, cơ quan đăng ký kinh
doanh cấp huyện phải ra Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Điều 5c. Ghi ngành, nghề kinh doanh[5]
1. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh
doanh thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
2. Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh, khi thông
báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh
hoặc hộ kinh doanh lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế
Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh trong giấy đề
nghị đăng ký hộ kinh doanh. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh
doanh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 7 Nghị định
số 01/2021/NĐ-CP. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hướng dẫn, đối chiếu và
ghi nhận ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh vào hệ thống thông tin
về đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5d. Thông báo địa điểm kinh doanh của hộ
kinh doanh[6]
1. Trường hợp hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh
tại địa điểm kinh doanh khác ngoài trụ sở, hộ kinh doanh thông báo địa điểm
kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh
doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận thông báo địa điểm kinh
doanh của hộ kinh doanh và trả Thông báo về mã số thuế và cơ quan thuế quản lý
trực tiếp địa điểm kinh doanh cho hộ kinh doanh.
2. Hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ thông báo khác
của địa điểm kinh doanh theo pháp luật về thuế tại cơ quan thuế.
Điều 5đ. Cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy
trình dự phòng[7]
1. Cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình dự
phòng là việc cấp đăng ký hộ kinh doanh không thực hiện thông qua hệ thống
thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. Việc cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy
trình dự phòng được áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh đang
trong quá trình xây dựng, nâng cấp;
b) Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh gặp
sự cố kỹ thuật;
c) Các trường hợp bất khả kháng khác.
Căn cứ vào thời gian dự kiến khắc phục sự cố hoặc
xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp
bất khả kháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo trước về thời gian dự kiến để cơ
quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện việc cấp đăng ký hộ kinh doanh theo
quy trình dự phòng.
2. Việc phối hợp giải quyết thủ tục cấp đăng ký hộ kinh
doanh theo quy trình dự phòng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện và cơ
quan thuế thực hiện theo quy trình luân chuyển hồ sơ bằng bản giấy.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được
thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hệ thống thông tin về đăng ký hộ
kinh doanh hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp hoặc khắc phục sự cố, cơ quan
đăng ký kinh doanh cấp huyện phải cập nhật dữ liệu, thông tin đã cấp cho hộ
kinh doanh vào hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5e. Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông
tin điện tử[8]
1. Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử
là việc người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ
kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin
về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh kê khai thông
tin, tải văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ
kinh doanh theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy
biên nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho người
nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử theo quy trình trên hệ thống thông tin về
đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5g. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng
thông tin điện tử[9]
1. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin
điện tử bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và được
thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông
tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản
giấy.
2. Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ
liệu được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy và thể hiện chính xác, toàn
vẹn nội dung của văn bản giấy. Văn bản điện tử có thể định dạng “.doc” hoặc
“.docx” hoặc “.pdf”.
3. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện
tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó
được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy
và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt
tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy.
Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ
sơ đăng ký hộ kinh doanh có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện
tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các
định dạng quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Các thông tin đăng ký hộ kinh doanh được kê khai
trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh phải được nhập đầy đủ và chính
xác theo các thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy; trong
đó có thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ;
c ) Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin
điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ kinh doanh hoặc người được
chủ hộ kinh doanh ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. Trường hợp ủy
quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua
mạng thông tin điện tử phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 4
Điều 84 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
4. Thời hạn để hộ kinh doanh sửa đổi, bổ sung hồ sơ
đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là 60 ngày kể từ ngày cơ quan
đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau
thời hạn nêu trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của hộ kinh doanh,
cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ hủy hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo
quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5h. Chuyển đổi dữ liệu, cập nhật, bổ sung
thông tin đăng ký hộ kinh doanh vào hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh[10]
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách
nhiệm chuyển đổi dữ liệu, cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký hộ kinh doanh của
hộ kinh doanh còn thiếu được lưu trữ tại địa phương vào hệ thống thông tin về
đăng ký hộ kinh doanh. Thông tin được chuyển đổi, bổ sung, cập nhật vào hệ
thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh phải trùng khớp với thông tin gốc tại
hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5i. Cung cấp thông tin đăng ký hộ kinh
doanh trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh[11]
Tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thông tin đăng ký
hộ kinh doanh miễn phí tại địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn, bao gồm: tên hộ kinh
doanh, mã số đăng ký hộ kinh doanh, mã số hộ kinh doanh, địa chỉ trụ sở, ngành,
nghề kinh doanh, tên chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh.
Điều 5k. Phương thức thanh toán lệ phí đăng ký
hộ kinh doanh[12]
1. Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nộp lệ phí
đăng ký hộ kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Lệ phí đăng
ký hộ kinh doanh có thể nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ
kinh doanh ở cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh
cấp huyện hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công
quốc gia. Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh không được hoàn trả cho hộ kinh doanh
trong trường hợp hộ kinh doanh không được cấp đăng ký hộ kinh doanh.
2. Việc giải quyết các lỗi giao dịch phát sinh
trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công
quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành
chính trên môi trường điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng dịch
vụ công quốc gia.
Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh
doanh cấp huyện, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên
quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm thi
hành Thông tư này.
Điều 7. Điều khoản thi hành[13]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 5 năm 2021.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số
20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng
01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị
các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để
nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để đăng tải);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, ĐKKD(NV).
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|
…………………
Nội dung văn bản bằng
File Word (đang tiếp tục cập nhật)