Thông tư 825-VP năm 1946 về thuế đặc biệt đánh vào xe hơi vận tải do Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 825-VP
Ngày ban hành 14/02/1946
Ngày có hiệu lực 01/03/1946
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 825-VP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 1946 

 

THÔNG TƯ

VỀ THUẾ ĐẶC BIỆT ĐÁNH VÀO XE HƠI VẬN TẢI

Tiếp theo nghị định số 193-TC ngày mồng 05 tháng 02 năm 1946, bản bộ chú thích các quy tắc áp dụng nghị định ấy như sau này:

Thuế đặc biệt đánh vào các xe hơi vận tải sẽ tính theo số chỗ ngồi dành cho hành khách, nếu là xe chở khách và theo sức trọng tải, nếu là xe chở hàng.

Mỗi xe chở hành khách từ 10 chỗ ngồi trở lên được trừ 3 chỗ ngồi dành cho các người làm đi theo xe (vặn lái, phụ, và người phát vé). Các xe nhỏ dưới 10 chỗ ngồi thì được trừ hai chỗ cho người làm.

Các xe chở hàng, thì chỉ đánh theo sức trọng tải không cần lấy đến số chỗ ngồi, nếu có chở hành khách đi theo.

Số chỗ ngồi hay sức trọng tải sẽ căn cứ vào giấy phép của sở Công chính. Những xe mới có phép chạy tạm thời, chưa định rõ số chỗ ngồi hay sức trọng tải thì số thuế sẽ tính theo tờ khai của chủ xe.

Thuế phân làm hai  hạng:

- Xe votures hay autocars, cứ mỗi tháng, mỗi chỗ ngồi dành cho hành khách, là hai mươi đồng (20đ).

- Xe autobus, camions, camionnettes, tracteurs-remor-ques cứ mỗi chỗ ngồi dành cho hành khách hay cứ trọng tải mỗi tháng, một tạ là mười lăm đồng (15đ).

Các chủ xe phải kíp gửi tờ khai tại phòng Thuế trực thu tỉnh mình và phải nộp thuế về tháng hai 1946 trước ngày hết tháng này. Về các tháng sau, số thuế hàng tháng sẽ phải nộp trước ngày 11.

Giấy biên lai nộp thuế phải mang theo xe để xuất trình khi các cảnh binh hỏi tới. Những xe nào mà quá hạn nói trên chưa đóng thuế thì không được phép chạy.

Việc kiểm soát xe hơi vận tải sẽ uỷ nhiệm riêng cho ty cảnh sát ở các tỉnh lỵ hay thành phố. Các Ủy ban địa phương không phải phụ trách về việc này.

Chỉ những cảnh binh ở tỉnh lỵ hay thành phố mới có quyền kiểm soát và làm biên bản nghị định phạt những xe chở trái phép.

Nếu xe chở khách quá số chỗ ngồi đã nộp thuế (không kể số người làm nói trên) thì sẽ phạt như sau này:

- Xe votures hay autocars, cứ mỗi chỗ ngồi 20 đồng.

- Xe autobus, camions, camionnettes cứ mỗi chỗ ngồi 15 đồng.

Lúc làm biên bản xong, sở cảnh sát sẽ thu tiền phạt và cấp cho chủ xe một biên lai làm bằng. Nếu chủ xe không sẵn tìên để nộp, thì cấp cho một tờ giấy chứng rằng đã làm biên bản nghị phạt. Xong, xe được phép chạy, và được chở cả những hành khách quá số. Số tiền phạt này phải nộp trong vòng 48 giờ đồng hồ hoặc về trường hợp xe đi xa thì khi trở về tỉnh lỵ hay thành phố ấy phải nộp phạt xong rồi mới được đi về.

Giấy biên lai hay giấy chứng minh nghị phạt chỉ có giá trị trong một ngày mà thôi.

Nếu là xe chở hàng thì chỉ lúc khởi hành hau khi xe tới nơi mới được kiểm soát số trọng tải. Về trường hợp xe chở hàng mà chở cả hành khách, thì mỗi người hành khách (không kể người làm) sẽ tính như một tạ hàng.

Nếu chở quá sức trọng tải đã nộp thuế, thì cứ phải phạt cứ mỗi tạ hàng hay mỗi người chở thêm là 15 đồng. Tiền phạt phải nộp ngay nếu cảnh sát tỉnh lỵ “cho xe tới” bắt được chở traí phép. Nếu bắt được chở trái phép khi xe khởi hành thì số phạt có thể nộp sau 48 giờ, hoặc khi xe trở về. Số hàng hay người chở quá số vẫn được phép cho đi.

Nếu xe bắt đầu chạy sau ngày đầu tháng, thuế sẽ tính kể từ ngày được phép chạy theo tỷ lệ mỗi tháng 30 ngày.

Những xe bị trưng thu được miễn thuế trong thời kỳ trưng thu. Nhưng chủ xe phải xin nhà chức trách ra lệnh trưng thu, cấp cho giấy chứng minh để xuất trình phòng Thuế trực thu.

Nếu khi xe phải nghỉ ở nhà để sữa chữa, thì phải khai và đưa biên lai cuối cùng nộp ở phòng thuế trực thu đến khi xe bắt đầu chạy lại thì cũng phải trình với phòng thuế trực thu và lấy biên lai về để mang kèm theo xe. Trong thời hạn xe không chạy, chủ xe cũng được miễn thuế.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Phạm Văn Đồng