Thông báo 41/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành Tư pháp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 41/TB-VPCP
Ngày ban hành 09/02/2010
Ngày có hiệu lực 09/02/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Kiều Đình Thụ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 41/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2010 CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Ngày 11 tháng 01 năm 2010, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của ngành Tư pháp. Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010; ý kiến của đaị diện một số cơ quan Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2009

Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ, với những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu tổng quát là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, GDP cả năm ước đạt 5,32%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm đặc biệt, người nghèo, công chức thu nhập thấp được hỗ trợ đáng kể; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,3%. Đó là kết quả rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có phần đóng góp của ngành Tư pháp cả nước.

Trong bối cảnh chung đó, ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ các mặt công tác, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2009, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, nhiệm vụ của từng địa phương. Việc triển khai các đạo luật mới như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác tư pháp. Hệ thống cơ quan Tư pháp cả ba cấp đã được kiện toàn một bước quan trọng về tổ chức và cán bộ. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm nghề nghiệp được nâng cao. Công tác chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của Ngành được đổi mới một bước, ngành Tư pháp đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của các ngành. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực công tác của Ngành được thực hiện tốt hơn, nhờ đó các mặt công tác của Ngành trong năm qua đã đạt được nhiều thành tích, nổi bật như sau:

Một là, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, đảm bảo chất lượng, tiến độ, thiết thực góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật mới, đảm bảo chất lượng, tiến độ, thiết thực góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Công tác văn bản của các cơ quan Tư pháp địa phương và Tổ chức pháp chế Bộ, ngành có những tiến bộ rõ rệt, từng bước tạo được sự tin cậy của Lãnh đạo các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương và cả nước. Bộ cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thực hiện công tác này trong năm 2010.

Hai là, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn những năm trước và vượt chỉ tiêu Chính phủ trình Quốc hội, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Số lượng án phải thi hành tăng nhiều so với năm 2008, nhưng tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn đạt tới 81,05% về vụ việc và 57,64% về tiền trong tổng số các vụ án có điều kiện thi hành. Toàn Ngành đã triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này. Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được kiện toàn theo ngành dọc từ Trung ương tới cấp huyện, đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống thi hành án dân sự ở nước ta. Đề án thí điểm Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị và đang triển khai theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Ba là, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp được tăng cường; việc xã hội hoá tiếp tục được đẩy mạnh đã phục vụ tốt hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công, lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tiên của giới luật sư Việt Nam trong toàn quốc. Nhiều Văn phòng công chứng đã ra đời và hoạt động, bước đầu được dư luận xã hội hoan nghênh.

Bốn là, công tác hành chính tư pháp có tiến bộ, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) với những nội dung mới đã góp phần tăng cường khối Đại đoàn kết dân tộc. Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được ban hành.

Năm là, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ ban hành các văn bản, chương trình, đề án huy động lực lượng toàn xã hội tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đưa hoạt động này đi vào thực chất hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Sáu là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý có kết quả tốt, góp phần kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ của Ngành; từng bước đáp ứng nhu cầu về cán bộ pháp luật cho xã hội, có những đóng góp cụ thể cho sự phát triển của khoa học pháp lý nước nhà. Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập các Trường Trung cấp Luật và đã triển khai tháo gỡ những khó khăn về nguồn nhân lực cho cán bộ cơ sở, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đã nêu, công tác của Ngành trong năm 2009 cũng còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong năm 2010 và những năm tiếp theo, nhất là trong công tác thi hành án dân sự, giám định tư pháp và đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là ở trình độ trung cấp.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2010 CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Năm 2010 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước (kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 65 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội). Năm 2010 sẽ tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Năm 2010, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu vượt qua, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà vững chắc cho sự phát triển của những năm sau.

Đối với ngành Tư pháp, năm 2010 là năm kỷ niệm 65 Ngày truyền thống, ngành Tư pháp phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, công tác tư pháp góp phần tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương. Toàn Ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Ngành phải đầu tư nghiên cứu, đóng góp trí tuệ cho việc xây dựng các văn kiện chính trị quan trọng sẽ trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Phải góp phần tích cực trong việc lý giải thấu đáo các vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hội nhập quốc tế, phải tham gia ý kiến để bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; giúp Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Bộ Tư pháp cũng cần xây dựng một bản chiến lược phát triển ngành dài hạn đáp ứng đồi hỏi phát triển của đất nước trong thời kỳ tới.

2. Bộ Tư pháp, các cơ quan Tư pháp địa phương và Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, địa phương phải là chỗ dựa tin cậy, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật kinh tế, dân sự đầy đủ, đồng bộ, khả thi, minh bạch, nhưng phải dễ hiểu, dễ áp dụng. Toàn ngành Tư pháp phải lấy việc nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình.

Bộ Tư pháp phải tập trung chỉ đạo và hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao việc soạn thảo các pháp lệnh về hợp nhất và pháp điển văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ để rà soát, sắp xếp lại hệ thống pháp luật rất rườm rà của chúng ta theo một trật tự nhất định và trở nên gọn gàng, dễ tìm, dễ sử dụng hơn đối với mọi cá nhân, tổ chức. Đồng thời phải giúp Chính phủ theo dõi sát tình hình thực hiện pháp luật, tổ chức thực hiện tốt Đề án triển khai việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này; tập trung củng cố về tổ chức, đầu tư cán bộ cho hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương tới địa phương. Hoàn thành Đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan Thi hành án các cấp; Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thi hành án theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện thí điểm mô hình Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, tiến hành sơ kết để tính toán, đề xuất việc mở rộng mô hình này ở một số địa phương khác, tạo cơ sở cho việc xã hội hoá một số hoạt động tư pháp. Phải phấn đấu giảm số lượng án không có điều kiện thi hành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi hành án mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp; triển khai thực hiện tốt Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tăng cường cán bộ tư pháp cơ sở, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; xúc tiến các công việc cần thiết để thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, đơn vị giúp Bộ quản lý nhà nước về bồi thường Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn công tác chứng thực, hộ tịch, con nuôi.

5. Tăng cường năng lực cho các cơ quan bổ trợ tư pháp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hoàn thành việc quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cả nước. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; xây dựng Chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp; chủ động chuẩn bị các công việc cần thiết để xây dựng dự án Luật Giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.

6. Tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đưa công tác này đạt bước phát triển mới.

7. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức, cán bộ của Ngành; tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, đặc biệt là đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Công tác tổ chức, cán bộ của ngành Tư pháp phải hướng mạnh về cơ sở, xây dựng hệ thống cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự và đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã và pháp chế các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, doanh nghiệp nhà nước thực sự có năng lực, trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành hữu quan để hoàn thành Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, tư pháp và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện ngay sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt, đồng thời cần làm tốt công tác đào tạo tại Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột; phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền tỉnh Hậu Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Trường Trung cấp Luật tại tỉnh Hậu Giang.

Cán bộ, công chức ngành Tư pháp cần không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" một cách thực chất, hiệu quả, "Học tập" gắn liền với "Làm theo" tấm gương đạo đức của Người trong từng công việc cụ thể.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết và thực hiện./.

[...]