Công văn 5930/BGDĐT-TCCB xây dựng Thông tư liên tịch 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV quy định biên chế hành chính sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 5930/BGDĐT-TCCB |
Ngày ban hành | 15/07/2009 |
Ngày có hiệu lực | 15/07/2009 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Vinh Hiển |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục |
BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5930/BGDĐT-TCCB |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2009 |
Kính gửi: Bộ Nội vụ
Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp huyện (sau đây gọi chung là Thông tư liên tịch số 35), đến nay, hầu hết Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đã có quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy định tại các văn bản của Trung ương và địa phương nói trên, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo có chức năng, nhiệm vụ rất lớn đòi hỏi phải có số lượng biên chế phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ.
Cả nước hiện nay có 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và 685 Phòng Giáo dục và Đào tạo. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo của các địa phương, biên chế của các Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay phổ biến từ 45 đến 55 người, Phòng Giáo dục và Đào tạo phổ biến từ 7 đến 10 người.
Với số lượng biên chế không đảm bảo như trên, hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phải biệt phái cán bộ, giáo viên (thuộc biên chế khối sự nghiệp) về công tác tạm thời tại Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc biệt phái cán bộ, giáo viên nói trên vừa không đúng quy định của Nhà nước, vừa gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục có cán bộ giáo viên biệt phái, đặc biệt gây bức xúc đối với người được biệt phái vì không đảm bảo được chế độ, chính sách và không ổn định nơi công tác. Hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo đều có kiến nghị với Bộ có văn bản quy định khung biên chế hành chính tối thiểu cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo để có cơ sở pháp lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu biên chế hàng năm.
Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết để đảm bảo phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được giao, xác định rõ từng vị trí công tác, xây dựng nhu cầu biên chế hành chính tối thiểu của cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành tổng hợp báo cáo của các địa phương, kiểm tra, xác định nhu cầu biên chế hành chính của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến xây dựng văn bản theo hình thức văn bản Thông tư liên Bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ để quy định khung biên chế hành chính tối thiểu cho cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp các địa phương giải quyết những khó khăn nói trên. Dự kiến hoàn thành và ban hành Thông tư trong quý 4 năm 2009.
Trân trọng xin ý kiến và cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của quý Bộ.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |