Công văn 2220/UBND-VX năm 2013 điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường Mầm non, phổ thông đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
Số hiệu | 2220/UBND-VX |
Ngày ban hành | 04/04/2013 |
Ngày có hiệu lực | 04/04/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Vương Văn Việt |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 2220/UBND-VX |
Thanh Hóa, ngày 04 tháng 04 năm 2013 |
Kính gửi: |
- Các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh; |
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục tiểu học - Chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; theo đó, mạng lưới trường, lớp học các ngành học, cấp học được mở rộng ở tất cả các địa phương, các vùng miền trong tỉnh, đã có tác dụng tích cực trong việc thu hút hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Đến năm học 2012-2013, khối giáo dục toàn tỉnh có 2.167 trường, trong đó có 655 trường mầm non, 725 trường tiểu học, 05 trường phổ thông cấp 1-2, 649 trường THCS, trường phổ thông cấp 2-3 có 4 trường, THPT có 96 trường công lập và 08 tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên có 28 và 01 trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp dạy nghề. Tổng số học sinh toàn tỉnh có 751.687 học sinh (trong đó Mầm non: 169.167 cháu, Tiểu học: 243.140 học sinh, THCS: 193.078 học sinh, THPT: 128.803 học sinh, GDTX: 16.000 học sinh).
Đến nay, do đạt được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, quy mô dân số dần đi vào ổn định, so với 5 năm trước giảm 232.392 học sinh với 4.067 lớp, theo đó, số trẻ em có xu hướng giảm dần dẫn đến quy mô các trường học ngày càng nhỏ. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ dưới 8 lớp và hơn 100 học sinh, số điểm trường lẻ trong một trường học còn nhiều, đã gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đầu tư cơ sở vật chất có nhiều bất cập.
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, giao thông đi lại thuận lợi, nhu cầu được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng ngày càng cao. Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh lại hệ thống mạng lưới trường, lớp là một yêu cầu bức thiết.
Thực hiện Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 17/01/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh năm 2013, trong đó có nội dung rà soát, sắp xếp điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản Hướng dẫn các huyện, thị, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường mầm non, phổ thông. Đến nay, phần lớn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có đề xuất sắp xếp điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường mầm non, phổ thông trong tỉnh đến năm 2020 theo định hướng sau đây:
1. Định hướng quy hoạch
- Mầm non: Mỗi xã, phường, thị trấn bố trí 01 trường mầm non công lập, giảm tối đa điểm lẻ (Khu vực miền núi cao không quá 7 điểm lẻ, miền núi thấp và miền xuôi không quá 3 điểm lẻ). Trường hợp có quy mô vượt quá 15 nhóm, lớp (lớn hơn 200 trẻ) nếu đủ điều kiện có thể tách làm 02 trường.
- Tiểu học: Mỗi xã, phường, thị trấn, vùng đô thị, đồng bằng, ven biển và vùng núi thấp bố trí 01 trường công lập, các xã miền núi cao giảm tối đa điểm lẻ, lớp ghép; mỗi trường không quá 3 điểm lẻ. Các xã miền núi ĐBKK có nhiều điểm lẻ khuyến khích xây dựng trường bán trú để giảm điểm lẻ. Trường hợp có quy mô vượt quá 30 lớp, nếu đủ điều kiện có thể tách làm 02 trường.
- Trung học cơ sở: Các trường có quy mô từ 08 lớp trở xuống ở những nơi có điều kiện thuận lợi bố trí sát nhập trường theo mô hình liên xã; quy mô mỗi trường có từ 12 lớp trở lên. Đối với xã miền núi ĐBKK địa bàn rộng, đi lại khó khăn xây dựng theo mô hình trường trung học cơ sở bán trú.
- Trường phổ thông nhiều cấp học: Những xã có địa bàn rộng không thể sát nhập được theo mô hình trường trung học cơ sở liên xã, thì sáp nhập trường trung học cơ sở có dưới 8 lớp với trường tiểu học thành trường phổ thông 2 cấp học (TH&THCS). Đối với trường trung học phổ thông có quy mô dưới 18 lớp xem xét sáp nhập với trường THCS thành trường phổ thông 2 cấp học (THCS & THPT).
2. Lộ trình thực hiện quy hoạch
UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào định hướng quy hoạch và thực tế của địa phương xây dựng phương án, xác định lộ trình giảm điểm lẻ, sáp nhập tăng quy mô trường theo từng năm học trong giai đoạn 2013-2020.
3. Giải pháp
- Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp, khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, manh mún, đầu tư dàn trải lãng phí, bố trí chuyên môn khó khăn, chất lượng hạn chế. Từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực, bố trí chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.
- Các trường sau khi sáp nhập, trường mới vẫn sử dụng cơ sở vật chất hiện có để tổ chức dạy và học, nhưng tập trung đầu tư xây dựng một điểm trường chính. Việc xác định điểm trường chính phải đặt ở trường có các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất tốt hơn. Tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó ưu tiên cho các trường sáp nhập.
- Sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hợp lý đối với các trường sáp nhập, theo hướng bố trí những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao làm hiệu trưởng, đảm bảo số lượng, cơ cấu giáo viên tại các trường, điều hòa nhân viên hành chính giữa các trường học.
- Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 01 Ban chỉ đạo, do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối văn hóa - xã hội làm Phó Trưởng ban, thành viên gồm các phòng, ban và các ngành có liên quan. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp trên địa bàn đến năm 2020.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quy hoạch đối với các trường THPT; kiểm tra tiến độ, tổng hợp kết quả điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường mầm non, tiểu học, THCS tại các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn về tổ chức và hoạt động các trường phổ thông nhiều cấp, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh.
- Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban ngành liên quan cân đối nguồn lực đầu tư hàng năm để ưu tiên thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn đến năm 2020.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ ngân sách, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện việc sáp nhập các trường.
- Sở Nội vụ Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban ngành liên quan trong việc xây dựng tiêu chí biên chế, hướng dẫn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính đối với những trường sáp nhập.
Nhận được công văn này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đến năm 2020 của địa phương mình về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/4/2013; Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả chung toàn tỉnh với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/5/2013./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |