Văn bản hợp nhất 49/VBHN-BGTVT năm 2023 hợp nhất Thông tư quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 49/VBHN-BGTVT
Ngày ban hành 22/08/2023
Ngày có hiệu lực 22/08/2023
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Xuân Sang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN VIỆT NAM

Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022;

Thông tư số 17/2023/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT- BGTVT ngày 7 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam và Thông tư số 51/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007; Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam.1

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về công tác đăng kiểm tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm và tàu lặn mang cờ quốc tịch Việt Nam.

2. Các tàu biển phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công ty (doanh nghiệp) tàu biển là chủ tàu biển hoặc tổ chức thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (Bộ luật ISM) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

2. Thiết kế tàu biển là hồ sơ kỹ thuật được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hộichủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhằm phục vụ cho đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác tàu biển.

3. Tài liệu hướng dẫn tàu biển là tài liệu được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để sử dụng trên tàu biển nhằm chỉ dẫn thuyền viên trong khai thác, vận hành tàu biển và các máy, trang thiết bị của tàu biển đáp ứng các yêu cầu về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.

4. Đánh giá là hoạt động bao gồm xem xét hồ sơ tài liệu và kiểm tra thực tế để xác nhận hệ thống quản lý của đối tượng được đánh giá được thiết lập và thực thi phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Tuyến quốc tế là tuyến hành trình của tàu biển từ một cảng của Việt Nam đến cảng của nước ngoài hoặc ngược lại, hoặc giữa hai cảng của nước ngoài.

6. Kiểm định tàu biển là việc kiểm tra, đo đạc, thử nghiệm tàu và trang thiết bị lắp đặt trên tàu nhằm mục đích xác nhận tàu biển thỏa mãn các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với mục đích sử dụng của tàu biển.

6a2. Kiểm định, đánh giá tàu biển từ xa là quá trình đăng kiểm viên không có mặt trên tàu sử dụng công nghệ thông tin hoặc phương pháp khác để xác định điều kiện kỹ thuật của tàu biển trong thực tế vẫn đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh tàu biển, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường phù hợp cho mục đích hoạt động của tàu biển.

7. Thẩm định thiết kế tàu biển là việc kiểm tra, soát xét thiết kế tàu biển để đưa ra kết luận về việc tuân thủ của thiết kế tàu biển với yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Duyệt tài liệu hướng dẫn tàu biển là việc kiểm tra, soát xét để khẳng định tài liệu hướng dẫn thỏa mãn các quy định của pháp luật, của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

9. Công-te-nơ là công-te-nơ theo định nghĩa tại khoản 1 Điều II của Công ước quốc tế về an toàn công-te-nơ (Công ước CSC) năm 1972 của IMO.

[...]